Nghệ sỹ Lê Khanh: “Đôi khi, tôi thấy mình tham lam”

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh bảo, giờ đây, chị không thể chỉ nghĩ đến những vai diễn cho riêng mình. Nghề đạo diễn đã khơi sâu thêm kinh nghiệm diễn xuất của chị.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh chia sẻ, nghệ thuật và gia đình giúp cuộc sống của chị cân bằng (Ảnh: NVCC)

Mỗi ngày, Lê Khanh vẫn vội vã ra khỏi nhà với ly càphê nghi ngút khói, miệt mài rèn nghề cho diễn viên trẻ rồi lại cần mẫn tìm kịch bản… Công việc cuốn chị đi. Ấy thế mà, loáng một cái, người ta lại thấy chị “tay xách nách mang” những giỏ đồ, bước đi vội vã về chăm lo cho tổ ấm.

Chị - người nghệ sỹ nổi danh với những vai diễn đầy day dứt về số phận người đàn bà trên sân khấu tếu táo bảo: “Đôi lúc, tôi cũng thấy mình tham lam! Nghệ thuật và gia đình, tôi chọn cả hai. Tất cả đều không thể thiếu trong cuộc sống của tôi!”

Lạ mà… quen!

Lê Khanh đến và đeo đẳng với nghệ thuật sân khấu đã hơn ba thập kỷ. Vậy mà giờ đây chị vẫn được coi là… gương mặt mới. Bởi lẽ, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa (như Lan Hương, Anh Tú…) đã có kinh nghiệm cả chục năm ở làng đạo diễn thì Lê Khanh mới bước chân vào lĩnh vực này.

Thế nhưng, theo vị đạo diễn gạo cội - nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành, ngay từ những bước đi đầu tiên, chị đã tạo được dấu ấn riêng. Đó là lối dàn dựng không theo hướng phô diễn kỹ thuật xử lý mảng, miếng mà thiên về cách kể, lối dẫn chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm thía, lắng sâu.

“Qua đây, người ta còn nhận thấy một Lê Khanh quyết đoán, mạo hiểm bên cạnh hình ảnh một Lê Khanh đằm thắm, dịu dàng quen thuộc,” nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành chia sẻ.

Đó là khi vị đạo diễn “trẻ” Lê Khanh quyết định may “chiếc áo mới” cho câu chuyện dân gian quen thuộc “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”: đưa nó lên sân khấu hài kịch với tên gọi “Thị Hến.”

Một nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh vốn được “đóng đinh” với những vai diễn chính kịch thể hiện chiều sâu, sự phức tạp trong nội tâm nhân vật mà giờ lại đi dàn dựng hài kịch! Chị đã không làm người xem phải thất vọng khi kết hợp chèo truyền thống và kịch hiện đại trong lối dàn dựng.

Đặc biệt, vở diễn ấy hoàn toàn không sử dụng nhạc đệm; thay vào đó là những âm thanh tự nhiên, sống động và giàu cảm xúc do chính diễn viên tạo nên trên sàn diễn. Những tiếng côn trùng rả rích, tiếng chim hót gọi bạn, tiếng dao thớt trong ngày hội làng... được diễn viên trực tiếp tạo ra, thể hiện trên sân khấu qua thủ pháp "khẩu thuật" đã mang tới cho khán giả những cảm xúc mới.

“Không ít người hỏi tôi, sao không chọn một câu chuyện khó đoán hơn, một kịch bản mới hơn để dàn dựng?" chị kể.

Bằng kinh nghiệm diễn xuất của mình, chị hiểu rằng: Khi được sống cùng những kịch bản hay, hóa thân vào những nhân vật điển hình, diễn viên trẻ sẽ trưởng thành lên rất nhanh.

"Hiện nay, kịch bản sân khấu cũng khá nhiều nhưng những kịch bản vừa có giá trị nội dung vừa mang tính nghệ thuật và đáp ứng được nhu cầu giải trí như ‘Nghêu, Sò, Ốc, Hến’ lại không nhiều,” nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh trăn trở.

Hỏi người nghệ sỹ ấy, đã khi nào chị nghĩ đến việc mình có thể sẽ phải trả một cái giá khá đắt (đánh đổi vị trí một diễn viên hàng đầu với một đạo diễn tầm trung), chị chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi hâm nhưng giờ đây, tôi không thể chỉ nghĩ đến những vai diễn cho riêng mình! Nghệ sỹ trẻ tài năng và tâm huyết ngày một thưa vắng. Tôi muốn góp phần giữ ‘lửa’ và tạo môi trường rèn nghề đúng nghĩa cho các em.”

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh (Ảnh: NVCC)

“Mình sướng hơn tiên!”

Tạm xếp lại những trăn trở về nghề, cất đi bộ trang phục của những bà hoàng trong lịch sử, ra khỏi nhà hát, chị lại tất bật trở về với những lo toan của một người mẹ, người vợ trong gia đình.

Xoa xoa đôi bàn tay, người phụ nữ ấy kể: Nhiều khi, về tới nhà, không kịp thay áo, chẳng kịp xỏ găng tay, chị vội vã vào bếp. Nhựa rau, xà phòng… làm đôi tay trần ngày một thêm khô gầy.

“Nhưng điều đó có nghĩa gì đâu! Nhìn chồng con xì xụp bên những món ăn do mình nấu, háo hức khen ngon là mọi mệt mỏi đều tan biến. Lúc ấy, tôi thấy mình còn sướng hơn tiên ấy chứ!” chị tâm sự.

Ngày ngày, chị di chuyển như con thoi, biến hóa linh hoạt ở đủ các vị trí.

Trên sân khấu, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh hóa thân làm vua (vị vua nữ cuối cùng của nhà Lý-Lý Chiêu Hoàng). Tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chị là một cô giáo.

Chị kể, mỗi buổi dạy năm tiết được trả 200 ngàn đồng. “Tiền xăng xe đi lại mấy chục cây số một ngày, tiền ăn trưa, uống nước… chẳng còn gì để cho học trò. Tôi chỉ có cố gắng cho học trò một cái nghề để bước vào đời,” người nghệ sỹ trải lòng.

Ở nhà hát, chị giữ cương vị của một người quản lý với những lo toan để cùng chèo chống con thuyền chung (nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ).

Về tới nhà, không cần có người giúp việc, chị vẫn là một bà nội trợ đảm đang. Rồi chị lại đắng lòng, tất bật chạy đi chạy lại chăm nom, an ủi cha mẹ khi hai người chẳng thể tiếp tục chung sống cùng nhau...

Nở nụ cười hài lòng, chị bảo, dù tất bật nhưng thấy cuộc sống của mình thật có ý nghĩa.

“Nghệ thuật và gia đình giúp cuộc sống của tôi cân bằng,” nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục