Có điều gì như là vương vấn, rưng rưng trong dư âm của đêm nhạc Thuận Yến- “Bản tình ca cha viết” diễn ra tại Hà Nội, giữa buốt lạnh của đêm, khi mùa Đông đã về trong thành phố.
Điều bất ngờ và ở lại trong tâm tưởng của khán giả, ngoài nghe lại những ca khúc còn mãi với thời gian của cố nhạc sỹ Thuận Yến, công chúng yêu nhạc còn được sống trong những hồi ức đẹp như cuốn hồi ký về người nhạc sỹ tài hoa qua lời kể đầy ngẫu hứng của nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương – vợ cố nhạc sỹ Thuận Yến.
Lời kể dung dị nhưng có duyên của bà về người bạn đời, người nhạc sỹ tài hoa mà bà vẫn gọi đầy trìu mến là “ông Thuận Yến ,” khiến khán giả và công chúng mộ điệu hiểu được những câu chuyện đời đã chắp cánh cho những khuông nhạc, ca từ da diết và bay bổng của người nhạc sỹ tài hoa bậc nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
Vì thế chăng, mà ba giờ đồng hồ cho một đêm nhạc bỗng trôi nhanh như tích tắc.
Khi viết những dòng này, cảm xúc của tôi vẫn còn gần như vẹn nguyên khi ánh đèn sân khấu bừng sáng, cô bé Thiện Thanh- cháu ngoại của cố nhạc sỹ Thuận Yến, ái nữ của ca sỹ Thanh Lam và nhạc sỹ Quốc Trung xuất hiện trong tà áo dài trắng dẫn lời thơ đầy xúc động như lời đề từ mở màn cho đêm nhạc …
Trên sân khấu, bằng âm nhạc và những kỷ niệm về ông trong lời kể của người còn sống, khán giả được đắm chìm trong những xúc cảm, cố kìm nén của những người nghệ sỹ trong gia đình cố nhạc sỹ Thuận Yến.
Có lẽ vì hát lên bản tình ca của người cha thân yêu, như tiếng gọi cha từ trời xanh trở về, lâu lắm rồi khán giả mới gặp lại hình ảnh Thanh Lam đầy lạ lẫm như vậy. Ngân lên “Bản tình ca cha viết” không còn là một diva Thanh Lam quằn quại, của thứ bản năng “nữ quyền,” mà là một Thanh Lam bé bỏng, dịu dàng, mong manh nhưng đầy yêu kiều và hờn dỗi với “Chia tay hoàng hôn,” “Khát vọng,” “Em tôi.”
Cũng lâu lắm rồi, khán giả mới được thấy, nữ hoàng nhạc nhẹ “chơi” với âm nhạc đầy lửa đến thế! Hát lại “Vị đắng tình yêu,” “Tình yêu không lời,” người ta nhớ về một Thanh Lam của thời hoàng kim của nhạc nhẹ, tràn đầy năng lượng nhưng nhẹ nhõm, và bay bổng.
Trong lời tâm sự của nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương, bằng tình yêu của người cha dành cho con, dẫu Thanh Lam có là ngôi sao âm nhạc cá tính bậc nhất của sân khấu nhạc nhẹ thì với nhạc sỹ Thuận Yến, Lam vẫn luôn là đứa con gái bé bỏng đã cùng cha mẹ vượt qua những năm tháng gian khó, nghèo khổ.
“Ông Thuận Yến đã trải qua những ngày tháng khó khăn và day dứt khi Thanh Lam gặp những đổ vỡ trong tình cảm. Người xưa nói ‘cá chuối đắm đuối vì con,’ khi dư luận ác ý đồn thổi Thanh Lam vứt con cho chồng nuôi, lòng ông Thuận Yến như lửa đốt, thương con mà bất lực cho mình. Lúc sinh thời, ông Thuận Yến sợ hai điều. Đó là sợ vợ và sợ… chết. Thương con đa đoan, và sợ để con ở lại, thì họ có lo được cho con không? Nên lúc còn sống, tâm nguyện của ông là thấy Thanh Lam tìm được bến dỗ bình yên,” bà Hồ Thanh Hương nhớ lại.
Cũng theo nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương, ngoài tình phụ tử thiêng liêng, cái bóng của nhạc sỹ Thuận Yến với các con Thanh Lam và Trí Minh còn bởi cách dưỡng dục và sự tận tụy, chăm chỉ làm việc của ông lúc sinh thời.
“Ông Thuận Yến lúc còn sống không biết gì ngoài ngày ba bữa và ngồi vào bàn sáng tác ca khúc. Riêng với Thanh Lam, ông Thuận Yến nâng niu, che chở năng khiếu âm nhạc từ ngày tấm bé. Những năm Thanh Lam còn trẻ, ông luôn là người chở Lam đêm đêm đi diễn, đứng nghe con hát, rồi lại chở con về trên chiếc xe đạp lọc cọc. Chính sự chăm chút yêu thương và chăm chỉ lao động của bố khiến Lam và Minh luôn nỗ lực và nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Ngày hôm nay, nhìn các con trưởng thành và hiếu lễ với bố mẹ, đó chính là huân chương quý giá nhất dành cho ông Thuận Yến,” nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương bùi ngùi chia sẻ.
Nhạc sỹ Nguyễn Cường từng nói sự “bất thường” trong dấu ấn sáng tác của nhạc sỹ Thuận Yến, bởi ông là một trong ít người có cuộc “vượt cạn” thành công từ mảng sáng tác nhạc cách mạng sang nhạc nhẹ, khi đều để lại những ca khúc nổi tiếng ở cả hai giai đoạn này.
Nói về điều này, nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương lý giải: “Ông Thuận Yến là một người rất hiền lành và chân thật. Ông đến với cuộc đời, cũng dịu dàng như giọng nói, nụ cười của mình. Với âm nhạc cũng thế, khi viết về những ca khúc cách mạng thay vì hô hào, hùng tráng, nhạc ông Thuận Yến vẫn trữ tình, da diết dù ngợi ca bác Hồ như ‘Bác Hồ, môt tình yêu bao la,’ hay viết về những nữ tù binh như ‘Em ở nơi đâu…’
Ông Thuận Yến cũng là một người cha yêu thương con hết mực, chính vì phát hiện ra tố chất ca hát của Thanh Lam, muốn nâng niu tài năng của Lam mà ông Thuận Yến nỗ lực làm mới mình, khi rẽ hướng sang nhạc nhẹ, sáng tác thành công nhiều ca khúc như “Chia tay hoàng hôn,” “Vị đắng tình yêu,” “Tình yêu không lời,” ‘Khát vọng,” “Em tôi”... Lam và bố có sợi dây vô hình về tình cảm và âm nhạc, nếu nói những sáng tác của ông Thuận Yến giúp Thanh lam trở thành nữ hoàng nhạc nhẹ, thì ngược lại chính Thanh Lam thổi nguồn cảm hứng cho bố.”
Ngoài khả năng sáng tác, nhạc sỹ Thuận Yến còn nổi tiếng là người đặt lời cho những ca khúc phổ nhạc, phỏng thơ, như ca khúc “Khát vọng” của Đoàn Thị Lam Luyến, “Chia tay hoàng hôn” và “Thì thầm với dòng sông” của Phan Vũ,
Trên sân khấu, nghệ sỹ Hồ Thanh Hương chia sẻ chân thật và hóm hỉnh, rằng bà đã ‘phải lòng’ ông về chính khả năng đặt lời cho ca khúc: “Ông Thuận Yến là mối tình đầu tiên của tôi, nhưng trước tôi thì ông ấy đã yêu chín, mười người. Tôi có hỏi vì sao, thì ông Thuận Yến thật thà bào vì họ chê ông… xấu. Yêu và lấy ông Thuận Yến, tôi nghĩ rằng chồng mình đúng là cái nết đánh chết cái đẹp. Nhờ cái tài hoa và âm nhạc tuyệt đẹp của ông Thuận Yến đã mang đến một sức sống mới cho thơ."
Cũng vì mến cái tài của ông Thuận Yến mà ngày đó nghệ sỹ ưu tú Hồ Thanh Hương bỏ cả trường nhạc theo tiếng gọi của tình yêu vào chiến trường. Sau này, khi đã là vợ chồng hễ gặp bài thơ nào, bà lại đưa về cho nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc.
"Anh ấy đặt lời thì hay vô cùng, cái tài đó đã hóa giải những giận hờn vô cớ của tôi dành cho anh. Bài 'Chia tay hoàng hôn' có ca từ dựa trên ý tứ bài thơ 'Hoàng hôn lặng lẽ' của nhà thơ Phan Vũ có câu 'Hoa khế rụng tím ngần hầm bí mật' thì ông Thuận yến đặt lại là 'Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ'. Hay bản gốc bài thơ của Phan Vũ là 'Anh phải về thôi, xa em thôi. Xa hàng cây con chiền chiện tha mồi' thì ông Thuận Yến đặt 'Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi'… Ông ấy đặt hay vậy, hỏi sao tôi giận ông ấy được!”
Nói về bản tình ca “Chia tay hoàng hôn” day dứt, chứa đầy luyến nhớ, nghệ sỹ Hồ Thanh Hương kể về kỷ niệm của bà và nhạc sỹ Thuận Yến mới cưới nhau ở chiến trường Quảng Trị, nhưng vì bà bị bệnh nên phải chia tay nhau để người ra Bắc chữa trị, kẻ vào Nam chiến đấu nên chưa bén hơi đã phải rời xa.
Thời khắc chia tay, bà gọi vọng theo ông ở ngã 3 đường 9 Khe Sanh. Chính tiếng gọi khắc khoải, cô độc trong rừng chiều ấy đã chắp cánh cho nhạc sỹ Thuận Yến sáng tác ra giai điệu da diết, mênh mang: “Anh phải về thôi, xa em thôi, hoàng hôn yên lặng cũng theo về. Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc mà lời từ biệt chẳng lên môi…”
Ba giờ đồng hồ với gần ba mươi ca khúc, từ những ca khúc đã quen thuộc như “Gửi em ở cuối sông Hồng,” “Con gái mẹ đã trở thành chiến sỹ,” “Màu hoa đỏ,” đến những ca khúc mới như “Mưa,” “Cây đàn thập lục,” “Lắng nghe con, mẹ ru mẹ hát”… đêm nhạc “Bản tình ca cha viết” cứ ngân mãi như vỹ thanh bất tận về sự da diết, mênh mang và đằm sâu nữ tính trong những sáng tác mà ông để lại cho đời và những đứa con của mình.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của các nghệ sỹ thân thiết, tri kỷ với Thanh lam trong âm nhạc như Trọng Tấn, Anh Thơ và Tùng Dương cũng mang đến những hơi thở mới mẻ cho đêm nhạc…
Những hình ảnh đẹp trong đêm “Bản tình ca cha viết”: