Tối ngày 19/9, đại diện Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đi từ Hà Nội về Hải Phòng thăm người tiền bối Đào Trọng Khánh. “Bầu Khánh” vẫn nhận ra khi từng người ghé xuống bên tai ông hỏi thăm. Miệng ông nhoẻn cười, đầu quay nhẹ sang khi người học trò - Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hồng Chương bông đùa mấy câu, nhưng quá mệt để phản ứng gì nhiều hơn. Chiều hôm sau, ngày 20/9, ông qua đời.
Thật thương khi nghĩ về người đàn ông cao lớn, dí dỏm, tài hoa và khoáng đạt, từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước phải yếu dần trước thử thách của thời gian, cuối cùng phải rời cõi tạm vì trọng bệnh.
Thơ như chiếc máy bay giấy
Đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh là tên tuổi lớn trong giới điện ảnh tài liệu cách mạng, là một trong những giúp củng cố nền móng cho thể loại này ở Việt Nam. Ông sinh năm 1940, là một người con của đất Hải Phòng tài hoa, xây dựng sự nghiệp đồ sộ từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
[Đạo diễn phim tài liệu, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh qua đời]
Trước khi cầm máy quay, Đào Trọng Khánh từng làm công nhân. Ông hay làm thơ nhưng không bao giờ ghi lại hay lưu trữ cẩn thận. Đến năm 25 tuổi, ông đầu quân cho Hãng phim, đi theo con đường điện ảnh tài liệu.
Đi quay phim cùng tiền bối Đào Trọng Khánh, nhà quay phim-Nghệ sỹ Ưu tú Đinh Anh Dũng nhớ ông rất hay đọc thơ cho anh em. Có lúc là thơ Lưu Quang Vũ, một người bạn thân thiết của ông, có lúc là một đoạn thơ xưa cũ vì “ông rất rành những thứ ‘đồ cổ,’” có lúc là thơ của chính ông.
“Thơ của Đào Trọng Khánh cứ bàng bạc, bảng lảng, chứ không thường có chủ đề giống như thơ Lưu Quang Vũ… Ông Khánh không lưu trữ thơ bao giờ, nhớ đến đâu thì đọc đến đó. Thơ ông như chiếc máy bay giấy của trẻ con. Giống như một đứa trẻ gấp ra để chơi rồi phi đi, đối với ông, nó bay đi đâu cũng không quan trọng,” nhà quay phim Đinh Anh Dũng kể.
Chất thơ và sự bàng bạc ấy theo đạo diễn Đào Trọng Khánh vào những thước phim. Ẩn sau cảnh hiện thực là những suy tư lớn về con người, cuộc đời.
Đạo diễn Đào Trọng Khánh đọc nhiều, nghiên cứu kỹ, hiểu biết rộng. Ông được Hãng Phim Tài liệu tin tưởng, yên tâm giao phó nhiều phim “đinh” về các danh nhân Việt Nam, từ lãnh tụ-Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cũng nhờ lời văn sắc sảo, sâu sắc.
“Bản thân ‘bầu Khánh’ là nhà thơ, lại có kiến thức rất sâu. Ông không coi lời bình như cái xe cấp cứu để chữa cháy, cũng không cần mường tượng ra hình ảnh trước rồi mới đi quay. Ông rất giỏi tạo ý từ hiện thực và có sự sáng tạo riêng. Thành ra phim của ông dùng lời bình, nhưng không thua kém những phim không lời bình [thể loại tài liệu trực tiếp, kể chuyện bằng sức nặng của hình ảnh, diễn biến câu chuyện, tạo nên tác động lớn-PV]. Lời bình của ông giúp nâng tầm bộ phim,” đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hồng Chương nhận định.
Tại Hãng Phim, ông cũng hay được gửi gắm để viết lời bình cho phim của nhiều đồng nghiệp. Tính ông khảng khái, thích nhìn nhận sự việc, con người theo bản chất. Ông không viết nên lời hoa mỹ, phức tạp, nhưng vẫn thành công với nghệ thuật “tả chứ không kể” - một phương châm quan trọng của điện ảnh.
Những năm từ 2020-2022, “bầu Khánh” sức đã yếu nên gửi gắm 2 bản thảo truyện ký “Đất và Người” cho người em nghệ sỹ thân thiết là họa sỹ Lê Thiết Cương.
Đúng như tên sách, họ là những người làm nên mảnh đất Việt Nam từ nhiều góc độ, có những người làm cách mạng, giải phóng đất nước, có các văn nghệ sỹ lớn, lúc thì ở dạng kịch bản phim, lúc thì những mẩu ký, những câu chuyện ngắn… mỗi tác phẩm đều chất chứa suy tư của ông về thời cuộc. Và qua đó, người đọc thấy được hình ảnh về một con người nhân văn, luôn đau đáu với thời cuộc đất nước.
Nhận định của ông Cương về tác giả chỉ súc tích như sau: “Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân.”
Một tâm hồn rộng mở, phóng khoáng
Đạo diễn Đào Trọng Khánh vốn là một biên kịch, một nhà quay phim có vóc dáng cao lớn, thân hình bệ vệ. Ông từng rong ruổi khắp đất nước, theo đuổi nhiều đề tài độc đáo. Thế hệ đàn em theo ông học tập có nhiều, có nhà quay phim Đinh Anh Dũng, Lý Thái Dũng, các đạo diễn Lê Hồng Chương, Nguyễn Thước… coi ông Khánh như thầy, gọi là “bầu Khánh.”
Nhà quay phim, Nghệ sỹ Ưu tú Đinh Anh Dũng kể thời xưa làm phim tài liệu khó khăn nhưng chẳng ai lấy đấy làm phiền lòng. “Tiền được trả có lẽ chỉ đủ bữa bia cho anh em liên hoan với nhau. Nhưng đấy lại là cái hay, chúng tôi không tính toán, trong sáng, xả thân và hết mình,” ông Dũng kể lại.
Khi đi quay, nếu cả đoàn có gặp khó khăn gì, hoặc muốn làm một điều gì nhưng không làm được, thì đều thấy tiếc nuối. Nhưng ông Khánh thì không như vậy. Nhà quay phim Đinh Anh Dũng nói rằng ông đi làm phim thường rất nhẹ nhàng, coi khó khăn như không chuyện gì, có lẽ vì đã trải qua quá nhiều.
Cuộc đời ông từng trải qua nhiều biến cố. Vợ chồng ông có 4 người con, nhưng ba người con trai đầu đều không may đã qua đời, chỉ còn lại một người con gái út.
Dẫu khối lượng tác phẩm của ông vô cùng lớn, mang nhiều giá trị tinh thần, nhưng cuộc sống ông cũng không dư dả. Nhiều người cho rằng ông hay dí dỏm, lấy sự hài hước để vượt qua cái nghèo và những nỗi buồn nhân thế.
Trong những ngày cuối của Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh, ông phải mở khí quản để chạy máy thở, ăn xuống qua ống sonde. Bà Vũ Thị Mỹ kể thấy tình trạng chồng như vậy rất thương, vừa muốn báo tin để anh em bạn bè biết để mà đến thăm cho “bầu” đỡ tủi thân, vừa lăn tăn khi cô con gái Mỹ Linh ngăn lại vì sợ đồng nghiệp của bố phải mất công, lặn lội đến Hải Phòng.
Tin ông ốm nặng vẫn lan ra nhanh chóng trong giới văn nghệ sỹ, nhưng có lẽ không đủ lâu để tất cả đến thăm. Chị Mỹ Linh khóc nhiều, xúc động khi những người đồng nghiệp kịp đến thăm bố, khi ông vẫn tỉnh táo nhận ra mỗi người dù đã quá mệt, đau yếu. Chị cũng lo mẹ túc trực dài ngày trong viện sợ bà cũng ốm theo.
Đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh ra đi, chấm dứt những đau ốm về thể xác để tâm hồn lại được tự do với trời đất. Ông để lại khối di sản phim lớn, quý giá và quan trọng, còn những bài thơ dẫu ít ỏi nhưng đủ để thế hệ sau nhớ mãi về một nhà làm phim, người làm văn hóa với cái gốc thi sĩ đáng mến.
Trích thơ ngắn của tác giả Đào Trọng Khánh (trước kia lấy bút danh Đào Nguyễn)
… Mẹ ru con tiếng võng giữa trưa Hè
Cha đánh giặc mài gươm đi giữ đất
Áo nâu vá bốn nghìn năm nước mắt
Những ruộng lầy lúa ngọc đẫm mồ hôi…
Hoa tầm xuân đỏ máu dưới chân người.
Bánh xe ngựa trên nẻo đời cô quạnh
Sông quên lãng xích xiềng trong sóng lạnh
Cho tôi nằm biển dựng những bờ sâu…
Đáy hồn tôi hoa súng nở đầu ao
Tôi như thể cô Kiều trong tiếng mẹ
Thơ rơi rụng trên giấy Hồ rách xé
Trên giấy Hồ ướt lệ của nhân gian...
Năm 2000, đạo diễn Đào Trọng Khánh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho cụm phim tài liệu, gồm "1/50 giây cuộc đời," "Việt Nam-Hồ Chí Minh," "Vũ nữ Trà Kiệu," "Truyền kỳ sự thật," "Hình bóng tổ tiên," "Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người." Hầu hết các phim ông làm đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 Giải Kịch bản Xuất sắc nhất, 4 Giải Đạo diễn Xuất sắc nhất). Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai Giải Bông Sen Vàng cho 2 phim tài liệu: Một phần 50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông được trao giải Đạo diễn Xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15. Sau khi về hưu (2005), ông chủ yếu sống tại quê nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng./. |