Nghệ nhân Trần Tước: Anh 'thợ gốm' đặc biệt không sinh ra từ làng nghề

Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước, 'thợ mới' (như cách anh tự nhận) đặc biệt của gốm Việt, không sinh ra từ làng nghề nhưng sớm định vị được dấu ấn bằng các sản phẩm đậm đặc giá trị văn hóa truyền thống.
Một buổi sớm ngày cận Tết, vận chiếc quần đũi sắn ống thấp ống cao với đôi tông lào ngả màu, nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước say sưa tưới tắm cho vườn tiểu cảnh trên sân thượng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mỗi cây mỗi thế dáng vô cùng độc đáo cho thấy cách chơi của một người có nghề và hỏi ra mới hay đó đều là tác phẩm của anh, mỗi cây là dấu ấn gắn bó với một phần trong cuộc đời cũng lắm thăng trầm của Trần Tước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đây là một trong số ít công việc hàng ngày nhưng cũng là cách anh thư giãn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Vì là người hoài cổ, còn giữ thói quen ăn trầu nên hàng ngày nghệ nhân Trần Tước vẫn tự phơi trầu và vài loại thảo dược để pha trà. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Anh tự tay làm mọi việc giống như một thú vui. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mặc dù được vinh danh là nghệ nhân ưu tú nhưng Trần Tước vẫn chỉ khiêm tốn tự nhận là một 'người thợ.' (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Thất diệp nhất chi hoa là một vị thuốc nhưng anh dùng để pha trà uống hàng ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Tự làm mọi thứ đủ cho thấy sự cầu kỳ và kỹ lưỡng của nghệ nhân Trần Tước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mỗi ngày của nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước đều bắt đầu bằng công việc chăm chút cho các vật dụng quanh mình, tưới cây, quét nhà… (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mỗi cây mỗi thế dáng vô cùng độc đáo cho thấy cách chơi của người có nghề và đây đều là tác phẩm do anh tự tạo tác. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Cây ổi cũng có thế dáng đặc biệt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nếu không có quả, chắc mọi người khó có thể nhìn ra đây là cây khế. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một góc tiểu cảnh trên sân thượng của nghệ nhân Trần Tước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Anh chọn lọc các giá trị truyền thống từ những điển tích rồi gửi nó vào sản phẩm của mình. Với quan điểm bảo tồn và phát triển, tiếp biến những giá trị văn hóa của nhiều đời, những sản phẩm, tác phẩm gốm thủ công của nghệ nhân Trần Tước đã tạo được dấu ấn đặc biệt và khác biệt trên thị trường gốm Việt. Với bộ tượng Mẫu Man Nương đặc biệt này, nghệ nhân Trần Tước đã phủ lên một lớp men cổ Thạch mộc miên mà anh đã phục chế lại được. Đây là dòng men có nguyên liệu từ đá vôi cùng phụ gia là tro từ cây gạo. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đây là bộ tượng làm thủ công theo truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương, một nhân vật liên quan đến sự tích Phật giáo Việt Nam khi đạo Phật mới truyền sang đất Việt. Tương truyền mẫu Man Nương sinh ra Tứ Pháp, gồm có Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Bộ tượng mới được hoàn thiện trong năm nay và là tác phẩm mang đậm dấu ấn tâm linh mà nghệ nhân Trần Tước bảo sẽ chỉ giữ cho riêng mình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Dấu ấn của Trần Tước rõ ràng và riêng biệt: một là phong cách linh vật; hai là điêu khắc về những anh hùng lịch sử dân tộc; thứ ba, gốm của anh không phải gốm gia dụng mà là gốm trang trí kiến trúc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Toàn bộ kiến trúc của gian thờ cũng do tự tay nghệ nhân Trần Tước hoàn thiện. Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều chứng nhận các tác phẩm gốm linh vật của Trần tước là sản phẩm tiêu biểu của người Việt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trà cũng là thức uống không thể thiếu trong thói quen hàng ngày mỗi lúc rảnh tay của anh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Anh có một trà thất riêng cũng là nơi làm việc để từ đó nhiều ý tưởng cho các tác phẩm đặc biệt ra đời. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trần Tước, người con quê lúa Thái Bình vẫn giữ thói quen ăn trầu hàng ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Là người không ngại phá bỏ những giới hạn và không ngừng thử nghiệm những cuộc chơi trên các chất liệu mới, nghệ nhân Trần Tước vừa thử nghiệm thành công tác phẩm đặc biệt là khám thờ gia tiên bằng gốm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Thông thường mọi người chỉ quen thuộc với dòng sản phẩm này trên chất liệu gỗ phủ sơn, thì nay Trần Tước đã thực hiện một cuộc chơi đầy táo bạo. Đây là tác phẩm khó khẳng định tay nghề điêu luyện của người nghệ nhân. Bởi người trong nghề sẽ biết, để làm được khối gốm vuông không có khuôn thật chẳng dễ chút nào. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với dòng men xanh ngọc được làm từ thủy tinh này, anh cũng phải tính toán kỹ để men chỉ chảy xuống tới chân khám thờ. Các họa tiết đều được đắp thủ công 'tay bo.' (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Khối gốm vuông làm thủ công mà chỉ dày 1cm là không dễ. Bởi người thợ phải tính toán cách phối trộn nguyên vật liệu và độ co rất kỹ để miếng gốm không bị xé khi nung qua nhiệt độ 1.200 độ C. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trong kỹ thuật làm gốm, làm khối tròn đã khó, nên việc làm khối vuông lớn như này không hề đơn giản. Anh từng tham gia trùng tu công trình gốm Cổng Nghi Môn trong cung điện Vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa; phục chế một số di tích ở Huế; trùng tu, tôn tạo Khu thủy tổ quan họ Làng Diềm, Bắc Ninh… (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một tác phẩm gốm sắp được bày triển lãm mừng Xuân mới của nghệ nhân Trần Tước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Bức tranh gốm với màu sắc mạnh mẽ mừng Xuân mới của anh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Không chỉ giỏi nghề gốm, nghệ nhân Trần Tước còn có nhiều tài nghệ khác trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, sáng tác nhạc, hội họa... Đây là một góc làm việc của anh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một góc xưởng gốm của nghệ nhân Trần tước ở Bát Tràng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trong quá trình làm nghề, ngoài niềm đam mê, ngoài việc gửi gắm vào các tác phẩm gốm tinh thần, tình cảm, kỹ năng, nghệ nhân Trần Trước tự nhận mình là người may mắn khi làm được những sản phẩm gốm truyền thống của Bát Tràng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Gốm là niềm đam mê đến tận cùng của Trần Tước. Trong làm nghề, anh quan điểm rất rõ ràng, nếu là bảo tồn sẽ bảo tồn đến mức bảo thủ, còn nếu không phải bảo tồn thì tiếp biến để phát triển. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
'Kỹ thuật làm gốm của tôi là hoàn toàn dựa trên kỹ thuật của gốm Bát Tràng cổ nhưng trong quá trình làm việc, có những anh em sẽ phục chế còn tư tưởng của tôi là người bảo tồn nhưng phải phát triển, nên mặc dù những sản phẩm của tôi làm nhìn có vẻ cổ điển nhưng đều là sáng mới của tôi, từ kiểu dáng cho đến chất liệu, màu men và nội dung, nhưng vẫn dựa trên cơ sở xương da truyền thống của Bát Tràng,' nghệ nhân Trần Tước chia sẻ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với sản phẩm của Trần Tước dễ dàng nhận ra nét vừa cổ điển vừa có tính ứng dụng cao. Nó cần thiết trong đời sống như cơm ăn nước uống chứ không phải chỉ để ngắm trong tủ kính. Đây cũng là phương châm làm nghề của anh, đưa được sản phẩm truyền thống vào đời sống một cách hữu dụng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Để biến đất thành vàng, cùng một sản phẩm nhưng mỗi nghệ nhân có thể dùng các loại đất pha chế khác nhau, chất liệu màu khác nhau, thời gian nung qua lửa cũng như việc điều tiết nhiệt độ… khác nhau. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Anh đang hoàn thiện cặp Sấu thời Lý. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Không gian sáng tạo của Trần Tước.(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Gian trưng bày các tác phẩm gốm của nghệ nhân Trần Tước ở tư gia, nơi lưu giữ cả chặng đường làm nghề của anh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nghệ nhân Trần Tước chia sẻ: 'Khi làm sản phẩm, các bạn hãy nghĩ mới đi, cái gì là truyền thống hãy để nguyên là truyền thống còn cái gì không nhất thiết phải là truyền thống thì hãy cho nó cơ hội tiếp biến. Đừng chỉ ngồi chờ đợi ở chợ Bát Tràng này, mà hãy đi xa hơn, như cách tôi gọi là dịch chuyển giá trị.' Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
'Bảo tàng' trưng bày gốm tại tư gia của nghệ nhân Trần Tước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục