Nghệ nhân gìn giữ tinh hoa của dòng tranh thêu nghệ thuật cao cấp Minh Lãng

Làng Minh Lãng ở Thái Bình xưa kia nổi tiếng với nghề thêu mũ, áo của quan lại triều đình, nay được nghệ nhân phát triển sang dòng tranh thêu chân dung và phong cảnh để gìn giữ truyền thống làng nghề.

Tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Cao Bính chuẩn bị được giao cho khách hàng. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)
Tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Cao Bính chuẩn bị được giao cho khách hàng. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Nghề thêu ở xã Minh Lãng (huyện Vũ Thư, Thái Bình) có từ khá sớm, khoảng 200 năm về trước. Những năm gần đây do khó khăn về thị trường, nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng bị mai một dần.

Để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính (thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng) luôn tâm huyết và tìm hướng đi riêng bằng dòng tranh thêu nghệ thuật cao cấp.

Năm nay bước sang tuổi 68, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính có 55 năm gắn bó với nghề thêu. Ông Bính tâm sự, năm 13 tuổi, ông được bố dẫn xuống học nghề thêu của một người thợ lớn tuổi ở địa phương và theo nghề thêu truyền thống từ đó.

Những năm gắn bó với nghề, ông Bính đã chứng kiến sự thịnh suy của làng nghề. Ông Bính kể lại, nghề thêu của Minh Lãng có cách đây khoảng 200 năm.

Thời kỳ phong kiến, sản phẩm thêu của Minh Lãng chủ yếu là mũ, áo, xiêm y, trang phục của quan lại triều đình. Những năm đất nước có chiến tranh, dù bị ảnh hưởng nhưng nghề truyền thống vẫn được duy trì, tuy nhiên số khung thêu không nhiều.

Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20 là thời điểm cực thịnh của làng thêu. Minh Lãng trở thành xưởng thêu khổng lồ, có Hợp tác xã Hợp Nhất thêu ren và Hợp tác xã nông nghiệp kiêm làm thêu, thu hút hàng nghìn hộ làm nghề.

Người dân từ già đến trẻ đều biết thêu, làng nghề nổi tiếng khắp vùng. Hàng thêu của địa phương thường được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Nghề thêu giúp đời sống người dân no đủ, sung túc.

nghe-theu-minh-lang2-resize.jpg
Một bức tranh thêu hoa sen của nghệ nhân Nguyễn Cao Bính. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nghề thêu ở Minh Lãng lao đao. Năm 2000, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành nghị quyết về phát triển nghề và làng nghề đã tạo luồng sinh khí mới để nghề thêu ở Minh Lãng khôi phục và phát triển.

Tuy nhiên những năm gần đây, một phần do khó khăn thị trường, một phần phải cạnh tranh gay gắt lao động với các doanh nghiệp may mặc, nghề thêu ở Minh Lãng lại gặp nhiều khó khăn.

Trước những thăng trầm của làng nghề và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, ông Bính đã tìm hướng đi riêng; đó là dòng tranh phong cảnh, đặc biệt là tranh thêu chân dung.

Ông Bính tâm sự khó nhất trong nghề thêu là tranh thêu chân dung. Thêu phong cảnh ai cũng có thể làm được, nhưng thêu chân dung thì khó hơn.

Theo ông Bính, nghề thêu, đặc biệt là thêu tranh phong cảnh và chân dung không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó mà còn phải có đầu óc tưởng tượng, sáng tạo; đặc biệt có một đôi bàn tay cực kỳ tài hoa.

nghe-theu-minh-lang3-resize.jpg
Tranh thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ nhân Nguyễn Cao Bính. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Những bức tranh thêu chân dung và phong cảnh của ông Bính được đánh giá cao và gây ấn tượng trong làng thêu cả nước. Trong đó, nhiều tác phẩm tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi lớn như tác phẩm “Lộc Xuân” trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2011; tác phẩm “Chùa Keo,” “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2012.

Ngoài ra, ông còn được các cơ quan, cá nhân tín nhiệm đặt thêu nhiều chân dung lãnh đạo các quốc gia và tập đoàn lớn trong và ngoài nước…

Bà Hoàng Thị Sim (thợ thêu có kinh nghiệm hàng chục năm của làng thêu Minh Lãng) chia sẻ, có đôi “bàn tay vàng” và sinh ra để gắn bó với nghề thêu, ông Bính luôn tận tình truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Đặc biệt, ông Bính đã có hướng đi riêng. Khi đa phần các hộ và xưởng thêu trong xã chỉ làm gia công, ông đã tự tìm tòi, sáng tạo với dòng tranh phong cảnh và chân dung để bảo tồn và phát triển làng nghề.

Để góp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những năm gần đây, ông Bính đã nhận lời mời của một số cơ sở, công ty, trường dạy nghề, trung tâm việc làm tại Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình… để dạy và truyền nghề thêu cho các học viên.

nghe-theu-minh-lang4-resize.jpg
Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam do Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng cho gia tộc Nguyễn Cao và người đại diện là nghệ nhân Nguyễn Cao Bính. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Với những đóng góp cho nghề thêu truyền thống của địa phương, tháng 12/2008, ông Nguyễn Cao Bính được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Năm 2016, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tiếp tục phong tặng Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam cho gia tộc Nguyễn Cao và người đại diện là nghệ nhân Nguyễn Cao Bính.

Hiện, ông Bính là nghệ nhân duy nhất ở làng nghề thêu Minh Lãng và cũng là một trong số ít những Nghệ nhân làng nghề thêu truyền thống ở nước ta.

Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Lãng, cho biết ông Bính là nghệ nhân duy nhất nghề thêu của xã còn sống.

Những năm qua, ông Bính luôn tìm tòi hướng đi riêng để bảo tồn nghề. Đặc biệt, nghề thêu Minh Lãng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến cũng từ những bức tranh thêu mỹ thuật cao cấp của ông Bính. Ông đang là “bậc thầy” của nghề và làng nghề thêu truyền thống của Việt Nam…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

Đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.