Nghệ nhân Danh Sol ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nổi tiếng là người chơi nhạc ngũ âm thuộc lớp lớn tuổi nhất và người thầy dạy cách gõ dàn ngũ âm giỏi nhất của vùng phum sóc Sóc Trăng.
Hầu hết những nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng tuổi đời từ 60 trở xuống ở trong vùng đều là học trò của ông.
Năm nay, nghệ nhân Danh Sol 85 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, bàn tay vẫn khéo léo, cặp mắt sáng, nhanh nhạy và đặc biệt là đôi tai rất thính, nghe học trò chơi một đoạn nhạc là ông biết ngay nhạc cụ có vấn đề ở đâu và học trò đánh sai chỗ nào.
Nghệ nhân Danh Sol chia sẻ ông gắn bó với nhạc ngũ âm gần hết cả đời người. Với đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm là linh hồn, là cội rễ, là tinh hoa dân tộc, nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chính là niềm vui, hạnh phúc của ông.
Cha mất sớm, mới 8 tuổi, cậu bé Danh Sol đã vào chùa Chroy Tưm Chắs ở phường 10, thành phố Sóc Trăng (trước đây thuộc xã Đại Tâm) làm chú tiểu học chữ.
Ở tuổi ham chơi, mê ăn mê ngủ, nhưng hàng đêm khi thấy các cụ trong xóm đến chùa hòa tấu nhạc ngũ âm thì cậu chăm chú ngồi nghe. Khi các cụ vừa buông tay, cậu lân la lại gần để học chơi đàn. Những lúc rảnh rỗi, sẵn có dàn nhạc ngũ âm đặt tại sảnh chùa, cậu xin trụ trì cho tập gõ một mình.
Ngày qua ngày, với niềm đam mê cùng sự chỉ dẫn tận tình của các bậc tiền bối, những ngón gõ nhạc của cậu bé Danh Sol ngày thêm thành thạo.
Nghệ nhân Danh Sol nhớ lại: "Thấy tôi mê tiếng nhạc ngũ âm nên ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Nhạc ngũ âm có tới 50-60 bài nên tôi học gần hai năm mới chơi thành thục. Lúc đầu, học khó nhớ tôi phải đánh số lên các loại nhạc để dễ dàng tập luyện."
Mê nhạc, ham học hỏi nên khi mới 15 tuổi, Danh Sol đã trở thành người chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của đội nhạc ngũ âm chùa Chroy Tưm Chắs, rồi theo đội nhạc đi phục vụ khắp các nơi.
Theo thời gian, những người lớn tuổi trong đội nhạc già và qua đời, đội nhạc của chùa cũng không còn hoạt động. Danh Sol tìm đến các đoàn nghệ thuật quần chúng để được tham gia vào đội nhạc.
Không muốn mất đi đội nhạc của chùa, nên sau nhiều năm bôn ba theo đoàn nghệ thuật quần chúng, ông đã đến chùa Chrôi Tum Chắs xin trụ trì lập lại đội nhạc.
Nghệ nhân Danh Sol cho biết các loại nhạc cụ để trong kho hư hỏng mà không ai đụng tới, nên ông quyết định lập đội nhạc và duy trì nó. Năm 1959, ông bắt đầu tự sửa chữa, khôi phục lại các nhạc cụ. Ông đi đến từng nhà, vận động người trong phum sóc có tuổi đời trên 30 thành lập đội nhạc. Khi đủ 7 người ông bắt tay vào việc dạy và đội nhạc ngũ âm hoạt động đến nay.
Theo Đại đức Danh Thanh Dũng, trụ trì chùa Chroy Tưm Chắs, Sóc Trăng có rất nhiều đội nhạc ngũ âm nhưng đi đến đâu cũng nghe bà con khen ngợi đội nhạc của ông Danh Sol đánh giỏi và nghe “sướng tai” nhất.
Nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của ông mà việc bảo tồn nghệ thuật độc đáo này của đồng bào Khmer thêm phần bền vững.
Gần cả đời người gắn bó với nhạc ngũ âm, nghệ nhân Danh Sol không nhớ nổi mình đã dạy bao nhiêu học trò. Cả cuộc đời đam mê và gắn bó được gói gọn trong tâm sự của ông: "Nhạc ngũ âm đã chảy và cháy cùng tôi cả đời người. Còn cầm được cây gõ là tôi vẫn tiếp tục gõ và dạy."/.
Hầu hết những nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng tuổi đời từ 60 trở xuống ở trong vùng đều là học trò của ông.
Năm nay, nghệ nhân Danh Sol 85 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, bàn tay vẫn khéo léo, cặp mắt sáng, nhanh nhạy và đặc biệt là đôi tai rất thính, nghe học trò chơi một đoạn nhạc là ông biết ngay nhạc cụ có vấn đề ở đâu và học trò đánh sai chỗ nào.
Nghệ nhân Danh Sol chia sẻ ông gắn bó với nhạc ngũ âm gần hết cả đời người. Với đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm là linh hồn, là cội rễ, là tinh hoa dân tộc, nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chính là niềm vui, hạnh phúc của ông.
Cha mất sớm, mới 8 tuổi, cậu bé Danh Sol đã vào chùa Chroy Tưm Chắs ở phường 10, thành phố Sóc Trăng (trước đây thuộc xã Đại Tâm) làm chú tiểu học chữ.
Ở tuổi ham chơi, mê ăn mê ngủ, nhưng hàng đêm khi thấy các cụ trong xóm đến chùa hòa tấu nhạc ngũ âm thì cậu chăm chú ngồi nghe. Khi các cụ vừa buông tay, cậu lân la lại gần để học chơi đàn. Những lúc rảnh rỗi, sẵn có dàn nhạc ngũ âm đặt tại sảnh chùa, cậu xin trụ trì cho tập gõ một mình.
Ngày qua ngày, với niềm đam mê cùng sự chỉ dẫn tận tình của các bậc tiền bối, những ngón gõ nhạc của cậu bé Danh Sol ngày thêm thành thạo.
Nghệ nhân Danh Sol nhớ lại: "Thấy tôi mê tiếng nhạc ngũ âm nên ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Nhạc ngũ âm có tới 50-60 bài nên tôi học gần hai năm mới chơi thành thục. Lúc đầu, học khó nhớ tôi phải đánh số lên các loại nhạc để dễ dàng tập luyện."
Mê nhạc, ham học hỏi nên khi mới 15 tuổi, Danh Sol đã trở thành người chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của đội nhạc ngũ âm chùa Chroy Tưm Chắs, rồi theo đội nhạc đi phục vụ khắp các nơi.
Theo thời gian, những người lớn tuổi trong đội nhạc già và qua đời, đội nhạc của chùa cũng không còn hoạt động. Danh Sol tìm đến các đoàn nghệ thuật quần chúng để được tham gia vào đội nhạc.
Không muốn mất đi đội nhạc của chùa, nên sau nhiều năm bôn ba theo đoàn nghệ thuật quần chúng, ông đã đến chùa Chrôi Tum Chắs xin trụ trì lập lại đội nhạc.
Nghệ nhân Danh Sol cho biết các loại nhạc cụ để trong kho hư hỏng mà không ai đụng tới, nên ông quyết định lập đội nhạc và duy trì nó. Năm 1959, ông bắt đầu tự sửa chữa, khôi phục lại các nhạc cụ. Ông đi đến từng nhà, vận động người trong phum sóc có tuổi đời trên 30 thành lập đội nhạc. Khi đủ 7 người ông bắt tay vào việc dạy và đội nhạc ngũ âm hoạt động đến nay.
Theo Đại đức Danh Thanh Dũng, trụ trì chùa Chroy Tưm Chắs, Sóc Trăng có rất nhiều đội nhạc ngũ âm nhưng đi đến đâu cũng nghe bà con khen ngợi đội nhạc của ông Danh Sol đánh giỏi và nghe “sướng tai” nhất.
Nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của ông mà việc bảo tồn nghệ thuật độc đáo này của đồng bào Khmer thêm phần bền vững.
Gần cả đời người gắn bó với nhạc ngũ âm, nghệ nhân Danh Sol không nhớ nổi mình đã dạy bao nhiêu học trò. Cả cuộc đời đam mê và gắn bó được gói gọn trong tâm sự của ông: "Nhạc ngũ âm đã chảy và cháy cùng tôi cả đời người. Còn cầm được cây gõ là tôi vẫn tiếp tục gõ và dạy."/.
Chanh Đa (TTXVN)