Ngôi sao Michelin là một phần thưởng quan trọng cho người làm ẩm thực. Do đó, việc Cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới Michelin Guide vinh danh các nhà hàng Việt Nam đã làm nức lòng những người hoạt động trong ngành ẩm thực, tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi đối với những người tạo ra “mỹ vị nhân gian.”
Đó là cảm nhận của Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết khi nói đến ý nghĩa của Michelin Guide đối với nền ẩm thực Việt Nam.
'Không có yếu tố quan hệ ở Michelin'
- Thưa bà, là một chuyên gia về ẩm thực uy tín, bà có cho rằng giải thưởng Michelin sẽ tạo ra “cú hích” để các nhà hàng, các đầu bếp tích cực thi đua phấn đấu giành được sự tôn vinh này?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Chắc chắn là như vậy. Michelin là một thước đo uy tín toàn cầu. Các chuyên gia làm việc độc lập, công tâm. Họ có tiêu chí tuyển chọn rất rõ ràng. Các nhà hàng đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào danh sách giới thiệu và gắn sao. Do đó, sự kiện Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra bầu không khí thi đua và sự cạnh tranh lành mạnh.
Các nhà hàng sẽ thi đua để được ghi nhận và vinh danh. Sau khi đã được lựa chọn thì họ vẫn phải nỗ lực giữ gìn thương hiệu. Các đầu bếp cũng sẽ thi đua trong việc sáng tạo các món ăn. Sự thi đua sẽ tạo ra động lực để toàn ngành ẩm thực phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày nay, mỗi người đều phải nỗ lực để nâng cao trình độ, kỹ năng của mình.
Thực tế, nhiều bạn trẻ được vinh danh lần này có phong cách ẩm thực trẻ trung và hiện đại, có nhiều sáng tạo, đổi mới đáng được ghi nhận.
- Ngành du lịch, ẩm thực trong nước cũng đã có những phong trào thi đua, cũng đã được gắn sao song đâu đó vẫn có những hiện tượng vinh danh không thực chất. Bà có suy nghĩ ra sao về vấn đề này?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Chúng ta vẫn có sự cả nể, chẳng hạn như vì mối quan hệ quen biết mà một nhà hàng chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên liệu. Ở các nước tiên tiến như Nhật Bản thì không có chuyện đó. Mọi quy trình đều rất khắt khe, có quy chuẩn rõ ràng. Hệ thống Michelin cũng hoạt động như vậy. Không có sự cả nể hay "quan hệ" ở đây. Tôi được biết họ có 5 tiêu chí đánh giá, bao gồm: Chất lượng sản phẩm, tài nghệ nấu ăn, sự hài hòa hương vị, cá tính của đầu bếp thể hiện qua món ăn, sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn.
[Việt Nam có 103 nhà hàng được cẩm nang Michelin Guide tôn vinh]
Hơn nữa, nếu nhà hàng không đảm bảo duy trì chất lượng thì sẽ bị tước sao hoặc đưa ra khỏi danh sách được Michelin giới thiệu. Do đó, tôi tin rằng những ngôi sao Michelin sẽ tạo ra động lực thi đua thực sự trong ngành ẩm thực.
- Bà có cho rằng khi các thành phần của ngành đều nỗ lực tăng tốc thì ẩm thực Việt Nam sẽ “cất cánh”?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Chúng ta đang có cơ hội để nâng tầm và vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trước đây đã có nhiều chuyên gia nước ngoài ca ngợi món ăn Việt Nam. Song, đó vẫn là những câu chuyện mang tính cá nhân. Bước vào hệ thống đánh giá của Michelin nghĩa là chúng ta đã đạt quy chuẩn quốc tế.
"Từ khóa" để quảng bá ẩm thực Việt
- Ở phương diện cá nhân, bà có cảm xúc như thế nào khi chứng kiến các nhà hàng Việt được Michelin tôn vinh?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Tôi hạnh phúc và rất tự hào. Những người trong nghề như tôi đã nhìn ra thế giới và ngưỡng mộ những nhà hàng được gắn sao Michelin từ hàng chục năm trước. Chúng tôi đã tự hỏi vì sao Việt Nam không có mặt trong bảng xếp hạng danh giá này. Giờ đây, ước mơ đã trở thành sự thật.
Ẩm thực Việt Nam đặc sắc nhưng chúng ta chưa biết nắm bắt để quảng bá và xây dựng thương hiệu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm marketing ẩm thực rất giỏi. Ví dụ, Hàn Quốc có món kim chi, chỉ là món rau dưa thôi nhưng đã tạo ra thương hiệu quốc gia.
Theo tôi, ẩm thực là chìa khóa để phát triển du lịch bền vững. Khi đi du lịch, phong cảnh đẹp không phải là yếu tố khiến tôi phải quay trở lại một nơi nào đó mà chính là ẩm thực. Lý do là phong cảnh thì nhiều năm vẫn vậy còn ẩm thực thì cần thêm thời gian để khám phá, trải nghiệm.
- Có ý kiến cho rằng khi đã được Michelin ghi nhận thì ẩm thực Việt cần phải được “quốc tế hóa,” bà nghĩ sao về điều này?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Michelin trân trọng những giá trị bản địa của mỗi quốc gia. Do đó, tôi nghĩ không cần phải cải biên món Việt. Bản thân tôi khi giới thiệu ẩm thực ở nước ngoài cũng chỉ mang đúng những vị truyền thống của Việt Nam. Phải có bề dày văn hóa như thế nào mới có được những món ăn đó. Đó chính là tinh túy, hồn cốt dân tộc.
Nhớ lại năm 2017 khi tôi lên thực đơn cho các nguyên thủ tham dự hội nghị APEC, người ta cũng hỏi tôi sao không đưa nguyên liệu cao cấp vào cho sang trọng, ví dụ như tôm hùm. Tôi nghĩ rằng các nguyên thủ không xa lạ gì với các món sơn hào hải vị. Ẩm thực thượng hạng thực ra xuất phát từ những món ăn đời thường, nhưng khác biệt.
Chia sẻ với bạn một kỷ niệm khi tôi ra nước ngoài, tôi đã nhầm cây rau mùi là rau cần bởi độ dài lên đến 40cm, trông thì to đẹp nhưng mùi thơm, vị ngon không thể sánh được với rau mùi ta của Việt Nam. Chúng ta có nguồn nguyên liệu bản địa tươi ngon, quý giá, chỉ cần vận dụng tốt sẽ có được một bàn ăn với các món đẳng cấp.
- Bà cho rằng ẩm thực Việt Nam cần những yếu tố gì để khẳng định mình trên bản đồ thế giới?
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết: Ẩm thực Việt độc đáo nhờ sự tươi ngon của nguyên liệu và đặc tính tốt cho sức khỏe. Món ăn cũng là vị thuốc. Đó là từ khóa để quảng bá ẩm thực Việt Nam, thôi thúc những người sành ăn thế giới đến để trải nghiệm.
Chính vì ưu điểm đó mà chúng ta phải quan tâm hơn đến chất lượng nguyên liệu: Tươi, ngon, sạch, lành. Nhiều năm gần đây, thực phẩm bẩn đã trở thành vấn đề nhức nhối. Số ca mắc ung thư tăng nhanh. Đó là những điều khiến tôi trăn trở.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.