Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trở thành di sản quốc gia

Cùng với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), 16 di sản khác cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trở thành di sản quốc gia ảnh 1Làm bánh tráng phơi sương đặc sản bằng phương pháp thủ công. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, cơ quan này đã công nhận nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL (ngày 13/10) về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng theo quyết định nêu trên, cùng với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, 16 di sản khác cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lần này thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống và Tiếng nói, chữ viết.

Cụ thể, các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận lần này bao gồm:

1/ Kéo co của người Thái (Lai Châu).

2/ Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Bắc Giang).

3/ Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Lạng Sơn).

4/ Nghi lễ Then của người Tày (huyện Định Hóa, Thái Nguyên).

5/ Hát Sọong cô của người Sán Dìu (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

6/ Nghi lễ Hét khoăn của người Nùng (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

7/ Hát lý, nói lý của người Cơ Tu (huyện Đông Giang, huyện Nam Giang, huyện Tây Giang, Quảng Nam).

8/ Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh).

9/ Lễ hội Đền A Sào (Thái Bình).

10/ Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (Hà Tĩnh).

Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trở thành di sản quốc gia ảnh 2Giới thiệu hát Then trong nghi lễ cúng Vía của đồng bào dân tộc Tày. (Ảnh minh họa: TTXVN)

11/ Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, Cồng ba, Chiêng (Phú Yên).

12/ Hát Sình ca của người Cao Lan (Tuyên Quang).

13/ Chữ Nôm của người Dao (Lào Cai).

14/ Lễ Gạ ma do (Cúng rừng) của người Hà Nhì (Lào Cai).

15/ Lễ Khoi kìm (Cúng rừng) của người Dao đỏ (Lào Cai).

16/ Nghệ thuật Khèn của người Mông (Lào Cai).

17/ Nghệ thuật Khèn của người Mông (Hà Giang).

Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ./.

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong diện kiểm kê để lập hồ sơ khoa học, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm:

1/ Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam.
2/ Ngữ văn dân gian.
3/ Nghệ thuật trình diễn dân gian.
4/ Tập quán xã hội.
5/ Lễ hội truyền thống.
6/ Nghề thủ công truyền thống.
7/ Tri thức dân gian.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục