Ngày 18/6, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện Ủy ban Nhân dân hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Việc công nhận Nghề Gác kèo ong là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã tạo thêm động lực cho người dân gắn bó với nghề có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo của địa phương.
Độc đáo nghề gác kèo ong
Nghề Gác kèo ong ở huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là nghề truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh. Theo các bậc cao niên trong nghề thì gác kèo ong hình thành rất sớm, từ những ngày đầu tiên con người đặt chân đến vùng đất này khai hoang mở cõi khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 19.
Hàng năm, khi hoa tràm rừng U Minh Hạ nở rộ thì hàng đàn ong mật bay về làm tổ, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời như vậy.
Đây là một hình thức mô tả quá trình dựng nhà để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để con ong đến sinh sống. Kèo ong được mô phỏng theo cách thức dựng nhà, làm nhà bằng gỗ, có hai cây được cắm xuống mặt đất và một cây kèo được gác bên trên.
Cây cao (dài hơn) được gọi là cây nống, cây thấp (ngắn hơn) được gọi là cây nạng và một cây được gác lên trên đầu của cây nống và cây nạng gọi là cây kèo. Khi gác xong, bộ kèo có hình thang vuông, với một cạnh là mặt đất.
Thợ gác kèo ong không hoạt động riêng lẻ mà theo từng nhóm để hỗ trợ cho nhau. Cũng chẳng biết từ bao giờ, tại đây hình thành các tổ chức gác kèo ong gọi là đoàn “Phong ngạn.” Mỗi người trong đoàn được giao một phần rừng để gác kèo và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng.
Các đoàn Phong ngạn có tổ chức chặt chẽ, có những điều luật nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như phải hỗ trợ lẫn nhau, trung thực, không trộm tổ ong của người khác, không sang phần đất của người khác gác kèo, không pha nước vào mật,...
Ai gia nhập đoàn Phong ngạn đều phải có lời thề như trên. Tuy là luật bất thành văn nhưng các thành viên đều tuân thủ tuyệt đối, thành viên nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật hoặc bị đuổi khỏi đoàn.
Kèo có thể làm từ cây tràm, cây cau, cây bình bát,... có vỏ mỏng, nhẹ, mau khô; người gác kèo thường dùng cây tràm vì cây này lâu mục, lâu hư; cây tràm được chọn phải suông, có đường kính 10-15cm, lột sạch vỏ, phơi khô, bào láng, một đầu đục lỗ để gác vào cây nống; nếu làm bằng cây cau thì cây cau được chẻ làm hai, bào láng phơi khô và một đầu cũng đục lỗ để gác kèo.
Cây nống và cây nạng thường bằng cây tràm, đường kính nhỏ hơn thân kèo, khoảng 10cm; cây nống dài khoảng 2,5-3m, một đầu vạt nhọn để cắm xuống đất, đầu còn lại vuốt nhỏ để gác thân kèo; cây nạng dài khoảng 1,4-1,6m, một đầu vạt nhọn để cắm xuống đất, đầu còn lại vạt hình lưỡi búa hay mấp để khớp với thân kèo.
Cách đẽo kèo tùy thuộc kinh nghiệm của từng người mà có hình dáng khác nhau. Chức năng của kèo là gánh, đỡ các bộ phận các kết cấu liên quan và đặt biệt là nơi để con ong về làm tổ, nó còn có chức năng gánh (chịu lực) cho toàn bộ trọng lượng của tổ ong. Mỗi tổ ong có thể nặng từ 10-20kg tùy theo tổ ong lớn hay nhỏ.
[Cà Mau: Nghề muối ba khía và Gác kèo ong thành Di sản Văn hóa]
Chọn điểm gác kèo: địa điểm gác kèo tốt nhất là nơi cây tràm thấp có nhiều bông và là những trảng trống, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo. Ánh sáng tốt nhất theo nguyên tắc: hai phần nắng một phần mát vào mùa mưa và một phần nắng hai phần mát vào mùa khô. Lấy hướng mặt trời mọc làm chuẩn, chọn hướng gió thích hợp tùy theo mùa gió bấc, chướng, nồm; đầu kèo hướng về phía mặt trời mọc. Dọn trống xung quanh và phía dưới dạ kèo cho thông thoáng.
Từ tháng 2 trở đi chuẩn bị vào mùa gác kèo ong. Vì thời điểm này là mùa nắng, rừng khô, bông tràm đua nở tiết ra mùi hương hoa tràm, theo tập tính của ong ở đâu có hương hoa thơm là chúng kéo đến hút mật và làm tổ.
Gác kèo: Thời gian gác kèo tốt nhất là từ lúc mặt trời mọc đến 9h sáng vì thời điểm này sẽ xác định đúng hướng mặt trời mọc. Mái kèo bảo đảm có độ nghiêng so với mặt đất khoảng 450 để có độ dốc nước, không đọng, không ảnh hưởng đến mật. Tùy theo trảng cao hay thấp mà người thợ gác kèo chọn độ dài của cây nống và nạng sao cho đảm bảo kèo bắt được ánh nắng mặt trời.
Theo nhiều bậc cao niên trong nghề thì tổ ong được chia thành hai phần, thông thường, con ong làm tổ ở phần trên cao, phần phía dưới là nơi dự trữ mật ong do các ong thợ mang về. Do đó, khi gác kèo thì gác nghiên 450 là để tạo không gian chứa mật được nhiều hơn.
Trước đây gác kèo thường che kèo cho mát nhưng sau này theo kinh nghiệm người thợ không che phủ nữa mà phải để cho ánh nắng dọi vào kèo để kèo không bị ẩm ướt ong dễ thích nghi và chất lượng mật cũng được tốt hơn.
Kiểm tra kèo: Sau khi gác kèo phải thường xuyên kiểm tra kèo để xem kèo nào có ong về và kèo nào không có ong về, kèo bị vấn đề gì đó, kiểm tra để biết thời điểm ăn ong.
Thời gian ong làm tổ khoảng 20-30 ngày nhưng cũng có người sáng gác, chiều đã có ong đóng tổ do nơi gác kèo có được vị trí nắng chiếu vào kèo tốt, bộ kèo vững chắc, xung quanh kèo bông tràm đang đua nở và trảng được thông thoáng gió thổi những cành cây xung quanh không va chạm ảnh hưởng đến kèo.
Ăn ong (lấy mật) vào thời điểm tốt nhất là buổi sáng (6 -8 giờ) để ít bị ong đốt, tránh rủi ro cháy rừng. Việc khai thác mật có 2 mùa: mùa ong hạn (từ tháng 11 đến tháng 5) mật nhiều tốt, tỷ lệ nước trong mật chiếm chỉ đến 27,36% và mùa ong nước (từ tháng 6 đến cuối tháng 10) mưa nhiều, tràm trổ bông lần 2, mật loãng, tỷ lệ nước trong mật chiếm chỉ đến 32,55%. Dụng cụ khai thác mật gồm: bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa, quần dài, áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao cắt mật, thau nhôm, thùng chứa mật,...
Người thợ đến tổ ong, đốt đuốc con cúi cho có khói rồi thổi khói từ phía trên gió (hướng gió thổi vào tổ ong) sao cho khói bao phủ để ong bay đi, dùng dao chặn giữa phần mật và phần tàng ong (nơi ong ở) cắt phần mật, nơi ong dự trữ mật (khúc mứt). Với những tổ ong có khúc mật dài, cắt thành 02 đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 30cm.
Khi cắt mật, đường cắt thứ 1 cắt từ đầu kèo đi xuống từ trước ra sau để tách phần mật ra khỏi phần tàng ong, đường thứ 2 cắt khúc mật ra khỏi tổ ong, đường thứ 3 cắt ngang theo thân kèo nơi phần tổ ong gắn liền với kèo để cắt hẳn khúc mật ra khỏi tổ ong. Sau khi lấy mật xong cắt bớt phần tàng có màu đen, tùy theo tổ ong tròn hay dài mà cắt (cắt 1/3, cắt kiểu mỏ ké) để tàng ong thừa bảo vệ tổ ong không bị gió thổi ngã để ong tiếp tục sinh sống không tách đàn và tiếp tục phát triển sinh sản cho mật mới. Các thao tác trên được tiến hành nhanh gọn trong khoảng 2 đến 3 phút.
Vắt mật và bảo quản mật: Khúc mật lấy ra khỏi kèo phải được cạo sạch phần ké ong, không để dính nước, để trong thùng sạch, khô ráo. Mật được vắt bằng tay, để lớp sáp nổi trên bề mặt giúp ngăn chặn quá trình trao đổi chất, ôxi hóa giữa không khí và mật ong. Muốn bảo quản mật tốt phải để mật trong đồ sành, sứ, tốt nhất là bình thủy tinh có màu tối, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Bảo tồn và phát huy giá trị của nghề gác kèo mật ong
Mật ong rừng U Minh Hạ là sản phẩm nổi tiếng của Cà Mau với chất lượng tốt nhất. Tổ ong không chỉ cho mật mà còn cho các sản phẩm khác như sáp ong dùng để làm đèn cầy, ong non dùng chế biến các món ăn: tàng ong non chấm mật, gỏi ong non, tàng ong non lăn bột chiên,…
Nghề gác kèo ong đã tồn tại hàng trăm năm và vẫn còn lưu truyền trong các gia đình theo nghề với hình thức cha truyền con nối. Hiện có khoảng 150 người theo nghề và truyền nghề cho các con cháu trong gia tộc; có khoảng 10 gia đình theo nghề từ 2-3 thế hệ.
Nghề Gác kèo ong ở U Minh Hạ chính vụ kéo dài từ đầu đến cuối mùa khô hàng năm, có hộ dân gác đến 300-500 kèo ong cho thu hoạch khoảng 600-1.000 lít mật/vụ, cá biệt có hộ gác đến 2.000 kèo ong.
Mật ong rừng tràm có chất lượng rất tốt, dược tính cao, được dùng nhiều trong các sản phẩm dược đông y và sử dụng để bồi bổ sức khỏe nên rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Cuối năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể.
Nghề Gác kèo ong mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, gắn chặt với rừng tràm. Việc gác kèo ong ở rừng U Minh - Cà Mau cũng là một biện pháp bảo vệ đàn ong rừng bản địa.
Bên cạnh đó, người gác kèo ong, ăn ong cũng là những chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy rừng một cách trực tiếp và hiệu quả nhất vì họ là những người sinh sống dưới tán rừng. Hơn ai hết họ hiểu rõ cánh rừng mà mình khai thác, họ sẽ luôn bảo vệ để rừng là nhà của đàn ong, trở thành sinh kế sinh nhai của mình.
Gác kèo ong tạo mối liên kết, cố kết trong nhóm người làm nghề - những con người trung thực, biết tương trợ lẫn nhau. Nghề gác kèo ong cũng góp phần bảo vệ các tri thức dân gian, bảo vệ rừng bởi rừng còn thì nghề còn. Nghề gác kèo ong là sinh kế của người dân vùng rừng U Minh Hạ, góp một phần không nhỏ vào kinh tế gia đình.
Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ khách du lịch trải nghiệm các công đoạn làm nghề, thưởng thức các sản phẩm từ ong...
Với giá trị tiêu biểu, Nghề gác kèo ong được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, giá trị văn hóa đặc sắc của Nghề gác kèo ong đó là truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác theo truyền thống "cha truyền, con nối’’; đồng thời phát huy, bảo tồn gắn với khai thác du lịch, nhân rộng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch đến vùng rừng U Minh Hạ tham quan, trải nghiệm.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng vẫn là vừa giữ được rừng, vừa tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng rừng gắn với bảo tồn Nghề Gác kèo ong truyền thống.
"Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của Nghề Gác kèo ong theo hướng đảm bảo hiệu quả lâu dài bằng sự phát triển gia tăng về sản lượng đi cùng với chất lượng mật. Nếu mật ong không đảm bảo chất lượng sẽ không còn tính thương mại, ảnh hưởng đến việc bảo tồn văn hóa đặc sắc của Nghề Gác kèo ong vừa được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Cà Mau định hướng tổ chức Hội thảo khoa học để bàn về phát triển Nghề Gác kèo ong ở U Minh Hạ…’’ - ông Tiêu Minh Tiên thông tin thêm.
Sau khi công bố Nghề Gác kèo ong được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, Ủy ban Nhân dân hai huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm Nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất rừng tràm Cà Mau; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng rừng U Minh Hạ./.