Nghề đúc chuông Kiên Lao trước nguy cơ mai một

Vốn có lịch sử phát triển lâu đời nhưng hiện nay nghề đúc chuông Kiên Lao (Nam Định) đang trước nguy cơ mai một. 

Làng nghề đúc chuông Kiên Lao (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) vốn nổi tiếng trên cả nước và có lịch sử phát triển lâu đời.

Bằng bàn tay khéo léo, khối óc thông minh và niềm đam mê đối với nghề, những người thợ đúc chuông ở Kiên Lao đã không ngừng tiếp thu những tinh hoa của nghề đúc chuông truyền thống để tạo ra những sản phẩm giữ gìn được thương hiệu cho làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay nghề đúc chuông nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Theo cụ Lê Văn Lượng, đời thứ 6 của dòng họ Lê, nghề đúc chuông ở Kiên Lao (nay được chia thành hai xã Xuân Tiến và Xuân Kiên thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) xuất hiện từ cách đây khoảng 200 năm.

Cụ tổ của nghề là cụ Lê Văn Nghiêm quê gốc ở Đông Sơn, Thanh Hóa là nơi nổi tiếng trên cả nước với nghề làm trống đồng. Cụ Lê Văn Nghiêm thời còn trẻ đã mang theo những kiến thức đã học được về nghề làm trống đồng đến Kiên Lao để làm nghề và truyền nghề.

Bằng những kiến thức đã học được từ nghề đúc trống đồng và qua tìm hiểu nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ, cụ đã chuyển sang làm nghề đúc chuông. Sau này, con cháu dòng họ Lê của cụ nơi đây đã cùng nhau giữ gìn, truyền nghề và phát triển nghề đúc chuông cho tới bây giờ.

So với thời gian trước đây, hiện nay nghề đúc chuông ở Kiên Lao đã có nhiều điểm khác biệt. Theo anh Lê Văn Kha, xóm 9, Xuân Tiến thì các công đoạn đúc chuông bây giờ đã được hiện đại hoá hơn xưa nhiều nên năng suất và chất lượng đã được nâng lên rất cao.

Nhờ một số cải tiến trong kỹ thuật mà bây giờ những người thợ đúc chuông nơi đây có thể làm ra được những quả chuông nặng hơn xưa rất nhiều. Nếu trước đây chỉ có thể đúc được những quả chuông nặng tối đa khoảng 5 tạ thì giờ có thể đúc những quả chuông nặng từ 7-8 tấn, thậm chí 10 tấn tuỳ theo yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu là đồng và thiếc dùng vào việc đúc chuông sẵn có hơn trước cũng là điều kiện thuận lợi. Hiện nay, ngoài đúc chuông (chủ yếu đúc 2 loại chuông chùa và chuông nhà thờ) thì người thợ nơi đây cũng đúc cả đồ thờ, tượng, đồ gia dụng, khánh, lư hương, tranh...

Chuông Kiên Lao từ lâu không chỉ phục vụ cho các chùa, nhà thờ ở miền Bắc, mà còn đi khắp cả nước và xuất bán đi cả nước ngoài.

Hiện nay ở Kiên Lao chỉ còn ở khoảng 10 gia đình theo nghề đúc chuông, chủ yếu tập trung ở xóm 9, Xuân Tiến. Mặc dù là nghề truyền thống nổi tiếng trên cả nước, có lịch sử phát triển lâu đời và có giá trị văn hoá cao song nghề đúc chuông nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền.

Anh Lê Văn Hiệp, xóm 9, Xuân Tiến cho biết: Đúc chuông là công việc khó không phải ai cũng làm được. Ngoài việc phải thạo nghề người thợ còn phải có kinh nghiệm mới có thể đảm nhận được. Làm chuông phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ làm khuôn, tạo hình, khắc hoa văn, nung khuôn, đổ thiếc và đồng, làm nguội chuông...

Trong đó, công đoạn làm khuôn mất nhiều thời gian nhất. Tuỳ vào kích cỡ của chuông, công đoạn này có thể mất khoảng từ hơn 20 ngày trở lên. Tất cả các công đoạn trong quá trình đúc đều rất quan trọng nên đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ và tập trung cao độ, chỉ cần sơ ý là toàn bộ sản phẩm sẽ phải bỏ đi và làm lại từ đầu.

Chính vì vậy, nghề đúc chuông không chỉ yêu cầu cao về mặt kỹ thuật mà còn đòi người thợ làm nghề phải có tính kiên trì và lòng đam mê nhiệt huyết rất lớn. Bên cạnh đó, một quả chuông đạt chuẩn phải dựa vào hình dáng và quan trọng nhất là âm thanh. Chuông không chỉ phải có hình dáng, họa tiết, hoa văn đẹp mà khi đánh lên tiếng chuông phải ngân, âm vang và trong. Để đạt được điều đó thì phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của người thợ trong công đoạn pha chế tỉ lệ giữa đồng và thiếc, độ dày mỏng của chuông và chọn đất sét...

Ngoài ra, người thợ đúc chuông cũng phải khéo tay và có năng khiếu về hội hoạ. Do những yêu cầu cao, khắt khe trong nghề đúc chuông và phải cần có thời gian học nghề rất lâu nên thanh niên trong làng giờ ít người có đủ kiên trì để theo học nghề đến cùng.

Anh Lê Văn Hiệp cũng cho biết thêm, vài năm trở lại đây kinh tế suy thoái, dẫn đến nghề đúc chuông bấp bênh, thu nhập không đều và ổn định. Chuông chỉ được bán nhiều nhất vào dịp cuối năm và mùa lễ hội nên thời gian khác trong năm các xưởng trong làng chỉ nhận được một vài đơn đặt hàng nhỏ lẻ. Nhiều xưởng vài tháng không nhận được đơn đặt hàng, không bán được sản phẩm nên các xưởng luôn trong tình trạng đóng cửa.

Vì vậy, thanh niên trong dòng họ hiện nay không mấy người muốn theo nghề. Hơn nữa, Xuân Tiến hiện nay phát triển nghề cơ khí cho thu nhập cao, công việc ổn định và đỡ vất vả nên những thanh niên nếu không đi làm ăn xa mà ở lại làng thì đều theo nghề cơ khí. Số thanh niên trẻ theo nghề trong dòng họ rất ít, chỉ còn lại những người lớn tuổi trong dòng họ còn tiếp tục làm để giữ nghề.

Anh Lê Văn Hiếu xóm 9, Xuân Tiến cũng tâm sự, hiện nay, việc mở rộng sản xuất của nhiều hộ đúc chuông cũng gặp nhiều khó khăn do vấn đề vốn và mặt bằng. Chính vì vậy mà sản xuất vẫn mang tính chất nhỏ lẻ nên nghề đúc chuông có ít điều kiện để đi lên phát triển mặc dù những người làm nghề còn lại trong dòng họ đều có rất nhiều tâm huyết trong việc cố gắng giữ gìn và duy trì nghề.

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển với nhiều thế hệ nối tiếp giữ gìn và phát triển nghề truyền thống có giá trị văn hóa lớn, đến nay làng nghề đúc chuông Kiên Lao đang đứng trước những nguy cơ bị mai một và có thể thất truyền.

Chưa thể tìm ra hướng đi mới cho nghề để tạo điều kiện thu hút lớp thanh niên trẻ theo nghề, những người thợ nơi đây vẫn chỉ biết tiếp tục cố gắng làm nghề, giữ lấy làng nghề đúc chuông nổi tiếng của quê hương mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục