Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên Vietnam+ đã tìm đến Giáo sư Hà Minh Đức - vị giáo sư đầu ngành về nghiên cứu văn học và báo chí của nước nhà để trao đổi về nghề báo Việt Nam trong thời kỳ đầu phát triển.
Giai đoạn này chính là tiền đề cho sự nở rộ của báo chí và văn học Cách mạng sau này, là nơi dòng chảy bắt đầu mạnh của nghề báo Việt Nam “Các tờ báo đều cần có mục tiêu xã hội” - Giáo sư có thể cho biết nguyên nhân chính khiến nghề báo, nghề văn bắt đầu phát triển mạnh và có mối quan hệ với nhau trong những thập niên đầu của thế kỷ XX?Giáo sư Hà Minh Đức: Đó là thời kỳ hưng thịnh của văn học và của báo chí. Thời kỳ này có nhiều biến động lớn, nhiều sự kiện lịch sử. Như sự ra đời của Đảng Cộng sản, là phong trào mặt trận dân tộc dân chủ sôi động. Đời sống thành thị phát triển. Công chúng của báo chí và của văn học trở nên đông đảo và rộng mở hơn. Những người viết văn làm báo rất nhiều, đã có những nhà báo sống bằng nghề. Báo chí ngoài mục đích hoạt động của mình, còn hỗ trợ văn học đăng tải dài kỳ các tiểu thuyết trên báo. Thực tế bấy giờ không dễ gì in được một cuốn tiểu thuyết. Có nhiều tác phẩm đăng báo trước, hai ba năm sau mới xuất bản thành sách như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. - Điểm khác nhau giữa văn chương và báo chí thời đó là gì, thưa Giáo sư? Giáo sư Hà Minh Đức: Thời kỳ đầu từ 1932 trở đi văn học lãng mạn phát triển mạnh nhưng báo chí thì không có báo chí lãng mạn. Cho dù có những tờ báo đăng tải nhiều tác phẩm văn chương song cũng không sa vào lãng mạn, mộng tưởng. Các tờ báo đều có mục tiêu xã hội. Tờ Phong Hóa nổi lên với tên tuổi Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo cũng có mục tiêu xã hội của họ. Có lúc tờ báo chạy theo yêu cầu và thị hiếu của xã hội như trong thời kỳ Mặt trân dân chủ. Hoàng Đạo là người trấn giữ loại bài chính luận, gần gũi và áp sát thời cuộc. “Hết mình, hết lòng vì nghề”- Xin Giáo sư cho thấy điểm chung nhất của các nhà báo thành công thời trước, từ đó có thể xem là kinh nghiệm với các nhà báo thời nay?Giáo sư Hà Minh Đức: Mấy chục năm đầu thế kỷ XX, trên các báo xuất hiện các tên tuổi nổi tiếng: Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… Trong đó có Ngô Tất Tố, trước khi bước vào văn chương ông chủ yếu hoạt động báo chí. Văn và báo của ông đều tái hiện sống động, đầy cảm thương về nông thôn trước cách mạng. Vũ Trọng Phụng viết về thành thị với sự thâm nhập vất vả với cuộc sống thị thành. Vũ Trọng Phụng cũng thành công trước ở các thể phóng sự rồi mới đến tiểu thuyết. Với hàng loạt phóng sự như “Kỹ nghệ lấy tây,” “Cạm bẫy người,” “Cơm thầy cơm cô...” Vũ Trọng Phụng đã được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc.” Sau đó mới có các tiểu thuyết đặc sắc như “Giông tố,” “Số đỏ,” “Vỡ đê”… Cùng Vũ Trọng Phụng, còn Tam Lang - Vũ Đình Chí nổi tiếng với “Tôi kéo xe.” Để viết tác phẩm này ông cũng từng lăn lộn với việc kéo xe một thời gian… Vũ Bằng thiên về hoạt động báo chí nhiều. Ông có cuốn “Bốn mươi năm nói láo” mà thực ra đó là nói một cách chính xác và chân thực về 40 năm làm nghề báo… Qua đó có thể thấy rõ là bài học thâm nhập thực tế của người làm báo thời trước là rất hết mình, hết lòng vì nghề. - Nếu nói về nỗi khổ của các nhà báo thời trước, xin Giáo sư kể ra những cản trở và hạn chế đối với việc làm nghề?Giáo sư Hà Minh Đức: Viết báo thời trước Cách mạng không thuận lợi, vì chế độ kiểm duyệt hết sức khắt khe. Kể cả thời thực dân Pháp xâm lược hay thời Nhật chiếm đóng cũng vậy. Tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tuân có tên “Chém treo ngành,” kết truyện có tả cơn gió thổi lật mũ của viên công sứ mang ngụ ý của nhà văn đã bị kiểm duyệt bắt cắt bỏ. Tác phẩm “Thiếu quê hương” bị buộc bỏ chữ “Thiếu” chỉ còn “Quê hương..." Theo Vũ Bằng thì thời Nhật kiểm duyệt cũng rất gắt gao. Một tờ báo đăng tin ôtô cán chết một con chó Nhật. Cảnh sát Nhật đòi kiểm tra thời gian, nơi xảy ra chuyện xem có chính xác không. Thời đó nhiều nhà văn, nhà báo cũng bị chính quyền thực dân trừng trị bằng nhiều cách, treo bút, tống giam… Khó khăn nữa của các nhà báo, các chủ bút thời đó là tự mình phải lo cho tờ báo hoạt động và ít có tổ chức nào hỗ trợ. Việc làm quảng cáo trên báo cũng phổ biến hỗ trợ cho tờ báo hoạt động. Đời sống của nhà báo vất vả nhất là ở các tờ báo nhỏ. Áp lực từ mọi mặt khiến thời đó các nhà báo bấy giờ không biết trước được công việc lâu dài của mình. Thời đó cầm bút viết để đảm bảo cuộc sống. Không thể gọi là nhà báo mà viết ít hoặc không viết. "Vai trò của báo chí trước Cách mạng là rất lớn" - Xin Giáo sư đưa ra đôi nét phác thảo về vai trò của báo chí trước cách mạng?Giáo sư Hà Minh Đức: Báo chí thời 1930-1945 có ảnh hưởng tích cực đến báo chí của thời kỳ sau Cách mạng. Vai trò của báo chí trước Cách mạng là rất lớn. Những tờ báo được công khai luôn giúp cho xã hội tiến hóa hơn, khoa học hơn, văn minh hơn. Những tờ báo Cách mạng tuy chỉ công khai được ở từng thời điểm nhưng đóng góp không nhỏ cho đấu tranh xã hội. Coi báo chí chính là phương tiện tuyên truyền hiệu quả, nhiều cán bộ Cách mạng cũng đã là những nhà báo có tên tuổi. Đặc biệt nhất, với hàng ngàn bài báo chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo lớn của dân tộc, tính từ bài báo đầu tiên của Bác có nhan đề “Tâm địa thực dân” (năm 1919) và bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu nhi” (1969). Sau Cách mạng tháng Tám, báo chí phát triển với một đà mới có bề rộng và chiều sâu dưới sự chỉ đạo của Đảng. Ngày nay đã có hàng chục nghìn nhà báo hoạt động. Trong bộ sách “Thời gian và nhân chứng” của Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã ghi lại hồi ký của 43 nhà báo Cách mạng tiêu biểu từ 1945 đến 1975, như Xuân Thủy, Thép Mới, Quang Đạm, Phan Quang, Hữu Thọ…
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)