Nghệ An: Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó để chủ động trong việc phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. (Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN)

Chiều 18/9, tại cuộc họp bàn phương án ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 2.830 phương tiện với hơn 13.630 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản.

Đến 10 giờ ngày 18/9, có 2.470 tàu, thuyền của ngư dân 5 huyện, thị xã ven biển đang neo đậu tại bến với hơn 11.750 lao động; 363 phương tiện đang hoạt động trên biển với hơn 1.880 lao động. Tất cả phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền để bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Nghệ An đã thu hoạch hơn 59.360 ha trong tổng số hơn 76.480 ha vụ Hè Thu-Mùa (đạt 77,6 %). Các diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch đang được các địa phương tập trung thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng.” Toàn tỉnh hiện có 20.478 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, hơn 4.013 lồng, bè.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.Từ ngày 17 đến sáng 18/9, trên địa bàn Nghệ An đã có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ ngày 17/9 đến 7 giờ ngày 18/9 đo được tại các trạm khí tượng, thủy văn phổ biến từ 50mm đến 100mm, có nơi cao hơn.

Đặc biệt, những ngày qua, trên địa bàn một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ, nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn. Các địa phương đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với tình hình diễn biến thiên tai cực đoan.

Trong phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão, tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã ban hành công điện khẩn số 37 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục