Sáng 10/8, tại Cảng Cửa Lò (Nghệ An), Cảng vụ Hàng hải Nghệ An tổ chức cuộc họp với Trung tâm phối hợp tìm kiếm hàng hải Việt Nam, đơn vị trục vớt, lực lượng cứu hộ, chủ tàu để lên phương án bắt đầu trục vớt tàu VTB 26 bị lật, chìm.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thu (Hải Phòng) - đơn vị trục vớt tàu VTB 26, đã trình bày các phương án trục vớt tàu VTB 26.
Theo kế hoạch, để thực hiện trục vớt tàu VTB 26, Công ty dự kiến huy động 19 người trong đó có ba thợ lặn, 15 công nhân và một chỉ huy hiện trường. Một số phương tiện được huy động như xuồng cứu sinh, sà lan, máy nén khí, máy bơm nước, phao quây chống tràn dầu… Thời gian dự kiến trục vớt tàu khoảng 15 ngày; dự toán kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Để lên phương án trục vớt tàu VTB 26, từ ngày 1 đến 5/8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thu đã tổ chức lặn, thăm dò, kiểm tra các lỗ thủng, vị trí hư hỏng của tàu VTB 26 bị chìm để phân tích xây dựng phương án trục vớt tàu. Qua khảo sát, tàu bị chìm lật úp, cabin cắm xuống đất bị biến dạng.
Tàu VTB 26 có chiều dài gần 92m, rộng hơn 15m, trọng tải hơn 5.900 tấn. Thời điểm gặp nạn tàu chở gần 4.700 tấn than và khoảng 10.000 lít dầu.
[Đã cứu được 7 người trong vụ tàu chở than chìm trên biển Nghệ An]
Theo phương án trục vớt được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thu đưa ra, trước tiên, đơn vị sẽ cho thợ lặn xuống tàu dùng máy hút cát ở những vị trí bị vùi lấp để tìm người mất tích. Sau khi việc tìm kiếm người hoàn thành sẽ cử thợ lặn móc cáp vào các điểm phù hợp, dùng sà lan đặt cầu chữ A có sức nâng từ 150 đến 250 tấn để lật tàu lại. Tiếp đó, công nhân sẽ dùng cầu chữ A nâng nổi mũi, dùng bơm nước công suất lớn bơm cuốn chiều làm nổi tàu. Sau khi trục vớt xong tàu sẽ đưa về bến neo đậu và hoàn trả mặt bằng hiện trường khu vực tàu đắm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Bình Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, yêu cầu phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thu phải tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an ninh trật tự, an toàn lao động và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện công tác trục vớt tàu VTB 26. Đặc biệt, đơn vị trục vớt phải đảm bảo các phương án chống sự cố tràn dầu để đảm bảo môi trường, du lịch sinh thái. Các đơn vị chức năng liên quan cần tiến hành hỗ trợ đơn vị trục vớt tiến hành trục vớt tàu đảm bảo an toàn, thuận lợi, đúng tiến độ.
Trước đó, sáng 17/7, tàu VTB 26 có tải trọng hơn 5.900 tấn chở 4.700 tấn than đang neo đậu tại vùng biển Hòn Ngư, Cửa Lò (Nghệ An) thì bị lật, chìm trong cơn bão số 2.
Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 13 người. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cứu sống bảy người, bốn người tử vong; hai người còn mất tích là anh Nguyễn Văn Chiêu (29 tuổi, sỹ quan boong) và anh Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, thủy thủ), cùng quê ở Hải Phòng./.