Nghệ An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh với 100% số xã bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ; 785 khu vực bị ô nhiễm bom mìn với diện tích ước tính khoảng 279.742ha, chiếm 18% diện tích toàn tỉnh.
Theo kết quả điều tra và khảo sát kỹ thuật của dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” do Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam (VVAF) tiến hành từ năm 2004 đến năm 2008, 95% số xã trong tỉnh bị nhiễm bom phá và bom bi.
Mặc dù Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại nhưng diện tích được giải phóng sạch bom, mìn, vật nổ vẫn còn ít so với diện tích bị ô nhiễm, do đó đã làm cản trở quá trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng cơ sở hạ tầng cũng như chương trình tái định cư và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Căn cứ Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thực hiện dự án rà phá bom mìn, vật nổ giai đoạn 2010-2015 với tổng mức đầu tư 396 tỷ 316 triệu đồng.
Đây là nguồn vốn đầu tư của Trung ương, hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong nước. Dự án thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 30.000ha thuộc 16 huyện, thành, thị, trong đó ưu tiên các xã vùng gò đồi, miền núi với phương án thực hiện đến độ sâu 3m.
Thiếu tá Trần Danh Hân, Trợ lý công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết năm 2012-2013, lực lượng công binh chuyên trách Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh đã dò tìm, xử lý làm sạch bom, mìn, vật nổ trên diện tích gần 8.400ha tại địa bàn 47 xã, thị trấn thuộc bảy huyện, thành phố.
Dự án đã đảm bảo an toàn cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.
Từ “những vùng đất chết” nay chính quyền các xã này đã giao khoán cho các hộ dân quy hoạch trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sản xuất rau, màu hàng hóa, chăn nuôi... góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững./.