Nghệ An: Nhiều giáo viên được nhận Bằng khen nhưng chưa có tiền thưởng

Việc nhận được Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhưng không kèm theo tiền thưởng là thực tế nhiều năm nay tại Nghệ An, theo đó hàng nghìn giáo viên vẫn chưa được nhận tiền thưởng.

Nhiều giáo viên ở Nghệ An đang băn khoăn về việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua dạy học của năm học, nhưng chưa có tiền thưởng.

Việc này đã diễn ra trong thời gian dài với các tập thể, cá nhân được khen thưởng hằng năm ở tỉnh Nghệ An.

Cụ thể ngày 7/11/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 82 tập thể và 365 cá nhân thuộc ngành Giáo dục Nghệ An vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2022-2023.

Quyết định cấp Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ "kèm theo bằng khen, tập thể và cá nhân được thưởng theo mức thưởng quy định tại Nghị định 91 ngày 31/7/2017 của Chính phủ, trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của đơn vị trình."

Theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ, mức thưởng dành cho người được nhận bằng khen cấp Bộ là một lần mức lương cơ sở (tương đương 1,8 triệu đồng). Tuy nhiên, cũng như nhiều năm trước đây, các giáo viên cho biết, được trao Bằng khen nhưng chưa nhận được tiền thưởng.

Cô giáo Phan Thị Vân Hường, Trường Trung học Cơ sở Phú Hồng, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết đã 2 lần vinh dự nhận Bằng khen cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2019 và 2022 do có thành tích trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.

“Việc được nhận Bằng khen của Bộ là vinh dự của cá nhân để tiếp tục phấn đấu trong nghề cũng như tham gia các phong trào thi đua của nhà trường, ngành Giáo dục. Tuy nhiên, được nhận Bằng khen rồi nhưng không thấy có tiền thưởng, đi hỏi cũng rất ngại nên đành thôi,” cô Hường cho biết.

Về phía một số đơn vị, nhà trường cũng không rõ cơ quan nào chi thưởng đối với giáo viên được nhận bằng khen cấp Bộ. Cô Đinh Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mậu Đôn, huyện Con Cuông cho biết năm nay, trường có một giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen nhưng hiện trường không rõ quy định là cấp nào sẽ thưởng cho giáo viên. Về phía nhà trường cũng chưa dám chi tiền thưởng từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục do sợ không đúng quy định.

Qua tìm hiểu, việc có khen mà không kèm thưởng là thực tế nhiều năm nay tại Nghệ An, theo đó hàng nghìn giáo viên vẫn chưa được nhận tiền thưởng.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An lý giải bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo được chia thành 2 loại.

Thứ nhất là Bằng khen chuyên đề - dành cho cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc khi triển khai chuyên đề, đề án của Bộ trong từng giai đoạn nhất định. Với Bằng khen này, Bộ đồng thời chi tiền thưởng, lấy trong nguồn kinh phí của chuyên đề.

Loại thứ 2 là Bằng khen thường xuyên - dành cho cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong từng năm học. Với Bằng khen thường xuyên, mức thưởng và tiền thưởng được thực hiện theo Nghị định 91.

Các Bằng khen do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp thì tiền thưởng sẽ trích từ Ban Thi đua Khen thưởng của tỉnh. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo, về mặt quản lý nhà nước không có quỹ thi đua khen thưởng, nên khi ra quyết định tặng Bằng khen ghi rõ "kèm theo bằng khen, tập thể và cá nhân được thưởng theo mức thưởng quy định tại Nghị định 91 ngày 31/7/2017 của Chính phủ, trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của đơn vị trình."

Điều này có nghĩa là cơ quan chi tiền thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc biên chế, quỹ lương mà mình quản lý.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết thêm về phía Sở hằng năm đều có văn bản hướng dẫn xét thi đua khen thưởng hoặc quán triệt, phổ biến tại các hội nghị tập huấn, hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học. Quan điểm đưa ra là khen đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, minh bạch, công khai.

Văn bản hướng dẫn xét thi đua, khen thưởng năm học 2022-2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng nêu rõ “Tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được tặng Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện theo Điều 73 Nghị định 91/2017/NĐ-CP, nguồn kinh phí lấy từ quỹ thi đua khen thưởng của đơn vị trình.”

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, việc giáo viên hoặc một số đơn vị, trường học băn khoăn “có Bằng khen mà chưa thấy thưởng” là điều bình thường, có thể thông cảm. Tuy nhiên, nói “có khen mà không có thưởng” là không đúng mà cần nắm đầy đủ các quy định, văn bản để hiểu rõ, phân biệt danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

“Do trong hướng dẫn không nêu rõ đơn vị trình là đơn vị nào, dẫn đến việc các trường không hiểu, vì thế các nhà giáo được nhận Bằng khen, giấy khen mà chưa được nhận tiền thưởng. Theo quan điểm của Sở, đơn vị trình là đơn vị đầu tiên, tức là nhà trường, chứ không phải là Sở hay Phòng. Trường có người được tặng Bằng khen, có trách nhiệm chi trả,” ông Hoàn cho biết.

Trên thực tế, danh hiệu Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vinh dự đối với cá nhân, tập thể thuộc ngành Giáo dục. Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, ghi nhận nỗ lực và cống hiến của ngành Giáo dục cũng như cán bộ, nhà giáo tỉnh Nghệ An. Qua đó, xét công nhận và trao bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc so với các tỉnh thành khác.

Bằng khen của Bộ đã động viên giáo viên, tạo thuận lợi cho giáo viên trong thực hiện các phong trào thi đua, cũng như là cơ sở để xét các danh hiệu cao hơn như xét nâng lương trước thời hạn, xét thăng hạng giáo viên, xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…

Đồng tình với cách xét thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục Nghệ An tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong các hội nghị tập huấn thi đua sẽ trao đổi, phổ biến rõ, quán triệt để các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo nắm được chủ trương này. Từ đó phổ biến đến từng giáo viên để hiểu rõ về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, Bằng khen chuyên đề hay Bằng khen thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các địa phương, nhà trường cũng cần nắm rõ quy định, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để kịp thời khen thưởng cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc cũng như giấy khen, Bằng khen của ngành.

Liên quan đến những vướng mắc băn khoăn này, mới đây Luật Thi đua Khen thưởng 2022 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã có quy định mới về Quỹ Thi đua Khen thưởng.

Cụ thể, tại mục 3, Điều 11 về Quỹ thi đua khen thưởng nêu: “Bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập quỹ thi đua khen thưởng để chi tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, chế độ về khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật.”

Theo cán bộ thi đua Sở Giáo dục và Đào tạo, khi Luật mới có hiệu lực, các Bộ sẽ thành lập Quỹ thi đua khen thưởng để thực hiện “cấp nào ký quyết định khen, cấp đó chi tiền thưởng.”

Tuy nhiên, nếu quỹ có hạn thì việc xét, trao Bằng khen sẽ siết chặt hơn với các yêu cầu, quy định khắt khe, cao hơn chứ không thể khen thưởng rộng rãi như trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục