Nghệ An: Nhiều công chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn

Hiện nay tại Nghệ An đang có tình trạng còn có nhiều công chức, viên chức hạn chế về năng lực chuyên môn, trình độ chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/Vietnam+)

Hiện nay tại Nghệ An đang có tình trạng còn có nhiều công chức, viên chức hạn chế về năng lực chuyên môn, trình độ chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm...

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo tổng kết thực hiện chiến lược cán bộ do tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 25/10.

Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 22 sở và tương đương; 21 huyện, thành phố, thị xã và 23 chi cục và tương đương trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở; có 1.836 đơn vị sự nghiệp công lập, 228 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành và 1.598 đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; có 86 hội cấp tỉnh, 265 hội cấp huyện, 6 hội cấp xã và 5 quỹ.

Số viên chức làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao năm 2017 là 63.480 người và đội ngũ công chức năm 2017 được Bộ Nội vụ giao 3.680 biên chế. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 10.503 cán bộ, công chức cấp xã.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, nhìn chung cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 đã có sự chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; đảm bảo cơ bản về số lượng, chất lượng; công tác xây dựng đội ngũ được thực hiện đúng quy trình, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ theo đúng các quy định.

[Bộ Nội vụ đề xuất tinh giản hàng chục nghìn cán bộ cấp xã]

Tuy nhiên, việc đánh giá, phân loại công chức hàng năm còn nặng về hình thức; vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái, thiếu gương mẫu; việc quy hoạch cán bộ còn bất cập, cán bộ kế cận có giai đoạn hẫng hụt, nhất là cán bộ lãnh đạo; có tình trạng công khai quy hoạch chưa rộng, cán bộ được quy hoạch không biết mình được quy hoạch nguồn nào, có được quy hoạch hay không; một số cơ quan, đơn vị có số lượng cấp phó vượt quá quy định; một số cán bộ, công chức khi bổ nhiệm còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn...

Khắc phục tình trạng trên, tỉnh sẽ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến việc xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng các quy chế công tác cán bộ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ; chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ.

Tỉnh sẽ lấy thực tiễn là môi trường để rèn luyện, tuyển chọn và đào tạo cán bộ, nâng cao phẩm chất, kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ; quán triệt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý công tác cán bộ và biên chế cán bộ, công chức; công tác quy hoạch cán bộ thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, đúng quy trình, đảm bảo tính thừa kế và liên tục, khắc phục tình trạng thiếu hụt, chắp vá, bị động về cán bộ; thực hiện luân chuyển để tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng trình độ và năng lực thực tiễn; tập trung sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo nguồn.

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương có văn bản quy định thống nhất về công tác cán bộ để thực hiện chung trong cả nước, như Ban hành quy định về đánh giá cán bộ, công chức, đảng viên thống nhất toàn hệ thống chính trị; rà soát tất cả các văn bản về công tác cán bộ đã được ban hành nhưng trong thực tiễn không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc ban hành văn bản thay thế phù hợp; xây dựng cơ chế quản lý cán bộ, công chức linh hoạt, tránh tình trạng nhận thức bổ nhiệm chỉ có "đi lên" chứ không "đi xuống," tuyển dụng đã vào công chức là vĩnh viễn, tạo sức ỳ lớn đối với cán bộ, công chức.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục