Cồn tự cứu giúp người dân vùng 'rốn lũ' Châu Nhân vượt qua thiên tai

Nghệ An: Người dân vùng 'rốn lũ' Châu Nhân chủ động sống chung với lũ

Người dân Châu Nhân thường xây dựng một căn gác rộng khoảng 15-20m2, cao hơn so với nền nhà từ 2,8-3m, có cầu thang để đưa trâu bò, lợn, dê... lên tránh lũ, bên trong trữ sẵn lương thực, thực phẩm.
Người dân xã Châu Nhân sống ngoài đê sông Lam xây dựng gác chạn, cồn tự cứu cất giữ lương thực, thực phẩm và tránh lũ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Người dân xã Châu Nhân sống ngoài đê sông Lam xây dựng gác chạn, cồn tự cứu cất giữ lương thực, thực phẩm và tránh lũ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 7 gây mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Lam dâng cao ở mức báo động 1, hàng trăm hộ dân tại Xóm (thôn) 1, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) bị ngập và cô lập.

Song với tâm thế “sống chung với lũ,” các hộ dân ở đây đã có nhiều phương án để đảm bảo an toàn về người và tài sản - xây cồn tự cứu, gác chạn, chòi tránh lũ; người dân đã không còn sợ lũ và bị động mỗi khi lũ về.

Xã Châu Nhân được hình thành do sáp nhập hai xã Hưng Châu và Hưng Nhân vào năm 2019, trong đó, xã Hưng Nhân (cũ) với hơn 1.000 hộ dân đều sống ngoài đê sông Lam được xem là “rốn lũ” của huyện Hưng Nguyên.

Đã quá quen thuộc, hằng năm cứ vào mùa mưa lũ, hơn 1.000 căn nhà của các hộ dân xã Châu Nhân thuộc (Hưng Nhân cũ) đều bị ngập lụt do nước từ đầu nguồn đổ về.

Theo nhiều người dân, nếu mưa liên tục trong vòng 3 ngày thì mực nước có thể dâng từ 1,5-2m và biến xã Hưng Nhân (cũ) trở thành hòn đảo nửa chìm nửa nổi biệt lập với các địa phương xung quanh.

Để ứng phó với nước lũ, từ nhiều năm nay, khi xây dựng nhà ở, các hộ dân sống ngoài đê sông Lam đều tôn nền nhà cao lên so với mặt đường từ 1-1,5m.

Gia đình nào có điều kiện thì xây nhà 2-3 tầng, xây nhà chòi tránh lũ; nhà nào kinh tế bình thường thì xây cồn tự cứu, thiết kế gác chạn.

Bà Cao Thị Nguyệt (Xóm 1, xã Châu Nhân) nhớ lại, trong đời bà đã nhiều lần chứng kiến nhiều trận lũ lịch sử như vào các năm 1978, 1988 và năm 2000, nước lũ lên rất nhanh vào ban đêm, người dân nháo nhào chạy lên đê để lánh nạn; chính quyền địa phương thì tập trung huy động lực lượng sơ tán người già và trẻ nhỏ.

Nước lũ lên nhanh, nhiều tài sản, vật dụng trong nhà và cả gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi.

Từ năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ, một số hộ dân Xóm 1 xã Hưng Nhân (cũ) đã xây dựng được nhà chòi tránh lũ, trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và cho vay 10 triệu đồng, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ ngày công.

Từ mô hình nhà chòi tránh lũ, qua nhiều năm, với kinh nghiệm và tâm thế sống chung với lũ, các hộ dân đã sáng tạo xây dựng cồn tự cứu, gác chạn với chi phí thấp và thuận tiện cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo được chỗ tránh trú khi lũ về.

Với cồn tự cứu, người dân thường xây dựng ở cạnh căn nhà chính một căn gác với diện tích khoảng 15-20m2, cao hơn so với nền nhà từ 2,8-3m, có cầu thang để đưa trâu bò, lợn, dê... lên tránh lũ.

Nghệ An: Người dân vùng 'rốn lũ' Châu Nhân chủ động sống chung với lũ ảnh 1Gác chạn cao chứa rơm rạ, có cầu thang để đưa gia súc lên tránh lũ lụt. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Trên cồn tự cứu, gác chạn người dân thường cất giữ lương thực thực phẩm, đồ dùng cần thiết để phục vụ việc nấu nướng, ăn uống cho người và rơm rạ, thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Ngụ (Xóm 1, xã Châu Nhân) cho biết chi phí xây dựng cồn tự cứu từ 30-50 triệu đồng tùy vào diện tích. Gia đình khá giả hơn sẽ xây dựng nhà chòi tránh lũ với chi phí khoảng trên dưới 100 triệu đồng, có 4-8 trụ bêtông cốt thép, đổ sàn tầng một, có cầu thang lên tầng, mái lợp ngói hoặc lợp tôn.

[Mô hình 'sống chung với thiên tai' ở vùng 'tâm lũ’ tỉnh Quảng Bình]

Với các cách ứng phó với lũ này, người dân đã không còn lo lắng mỗi khi lũ về, không phải sơ tán lên đê khi nước đột ngột dâng.

Bên cạnh đó, vào mùa lũ, để có nước sạch trong mùa lũ, các hộ dân cũng xây dựng các bể nước hình trụ cao tới 4-5m; nước được dẫn bằng các ống nhựa từ mái nhà xuống bể, khi nước lũ bao vây, người dân vẫn có nước sạch để dùng dù đã “rút” lên các nhà chòi, gác chạn.

Trong nhà các hộ dân ngoài đê cũng luôn có sẵn các thuyền nhỏ bằng gỗ, thuyền thúng bằng tre - phương tiện di chuyển chính trong mùa lũ.

Ngoài các công trình nhà chòi tránh lũ, gác chạn, cồn tự cứu do dân tự xây dựng, xã Hưng Nhân (cũ) còn có nhà cộng đồng tránh lũ được xây dựng ngay trong khuôn viên trụ sở cũ của Ủy ban Nhân dân xã Hưng Nhân.

Nhà cộng đồng tránh lũ được thiết kế có hệ thống nước, nhà bếp... Khi có lũ lớn, người già, trẻ em sẽ được đưa đến sinh sống tập trung ở nhà cộng đồng để đảm bảo an toàn.

Nghệ An: Người dân vùng 'rốn lũ' Châu Nhân chủ động sống chung với lũ ảnh 2Với nhà chòi tránh lũ được xây cao, người dân chủ động mỗi khi lũ về. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Ông Phan Đình Hoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Châu Nhân (nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Nhân) cho biết, do đặc thù là xã vùng “rốn lũ” nằm hoàn toàn ngoài đê sông Lam nên chính quyền và người dân luôn chủ động, sẵn sàng để sống chung với lũ theo phương châm "4 tại chỗ."

Hiện nay, trong tổng số hơn 1.000 hộ dân sống ngoài đê, bên cạnh nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã xây được nhà 2-3 tầng, thì có khoảng 70% các hộ dân đã xây được nhà chòi tránh lũ, cồn tự cứu, gác chạn để đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản khi lũ về.

Ngoài ra, với tâm thế luôn chủ động sẵn sàng ứng phó với lũ, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc ứng phó với lũ.

Khi có thông tin về các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa lớn, nước sông Lam lên nhanh, người dân sắn sàng các phương án di chuyển tài sản, trâu bò, lợn gà… lên chòi tránh lũ, cồn tự cứu. Nhờ đó, thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra trong những năm gần đây tại các hộ dân xã Châu Nhân được giảm thiểu.

Không chỉ xã Châu Nhân, tại một số địa phương thường xuyên bị ngập lụt như xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên), xã Nam Cường (huyện Nam Đàn) người dân cũng đã chủ động trong việc xây dựng nhà chòi tránh lũ, cồn tự cứu để ứng phó với lũ.

Nghệ An là địa phương hằng năm chịu thiệt hại nặng nề từ mưa lũ. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm chống chọi theo từng năm, tâm thể chủ động có các phương án ứng phó với lũ đầy sáng tạo, người dân tại một số vùng “rốn lũ” tỉnh Nghệ An đã phần nào yên tâm hơn khi mùa mưa lũ về; thiệt hại về người và tài sản, vật nuôi cũng giảm rõ rệt trong các mùa mưa lũ gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục