Nghệ An: Nghề nuôi ong thay đổi cuộc sống đồng bào miền núi Nghĩa Đồng

Sản phẩm OCOP mật ong Nghĩa Đồng góp phần giảm nghèo và thay đổi cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, với thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng/hộ.
Nuôi ong lấy mật. (Nguồn: TTXVN)

Những giọt mật ong của Tổ hợp tác mật ong Nghĩa Đồng, xã Nghĩa Đồng, huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vàng óng, thơm ngon, sánh đặc vốn lâu nay ít được người tiêu dùng biết đến.

Nhưng từ khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP, mật ong Nghĩa Đồng thì đã được đông đảo người tiêu dùng trong nam, ngoài bắc ưa chuộng bởi mang đậm hương vị của thiên nhiên núi rừng miền tây xứ Nghệ.

Sản phẩm này cũng góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững và thay đổi cuộc sống cho đồng bào nơi đây.

Nghĩa Đồng là xã miền núi của huyện Tân Kỳ, nơi có nhiều loại cây, nhiều loại hoa tự nhiên. Tại đây, hoa rừng nở quanh năm, không có tác động của bàn tay con người, không lẫn chất kích thích đậu quả, thuốc trừ sâu... do vậy mà rất thích hợp với việc nuôi ong lấy mật bởi cho sản lượng mật cao, chất lượng mật tốt.

Đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của Tổ trưởng tổ hợp tác ong mật Nghĩa Đồng, Nguyễn Văn Tiến. Đây là một trong những hộ dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật lâu năm nhất huyện Tân Kỳ.

Ban đầu gia đình ông Tiến phát hiện 1-2 đàn ong tự nhiên về làm tổ ngay trong vườn nhà. Với sự đam mê ham học hỏi nên qua một thời gian ông Tiến đã thuần hóa được đàn ong và đã lấy được mật phục vụ nhu cầu gia đình.

Do có nhiều mật nên được nhiều gia đình xung quanh ưa chuộng, đặt mua. Từ đó, ông Tiến mới đẩy mạnh việc nuôi ong lấy mật. Noi gương ông Tiến, nhiều người dân trong xã cũng đến học tập mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông.

Ông Tiến cho biết nghề nuôi ong lấy mật không khó, không tốn nhiều công sức, chỉ cần am hiểu đặc tính, chu kỳ của ong. Mặt khác chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn của ong dựa hoàn toàn nguồn tự nhiên từ rừng, từ các cây công nghiệp cao su, cà phê và cam, nhãn, vải và hoa màu khác nên chất lượng mật ong của Nghĩa Đồng rất tốt.

Khi nuôi trong tổ cần phải sạch sẽ và luôn có mật, chân tầng không được sâu mọt, tuyệt đối không được để địch thủ xâm nhập. Đặc biệt, xung quanh chỗ đặt tổ ong phải sạch, vì ong rất nhạy cảm với môi trường.

Tuy nhiên, việc nuôi ong lấy mật của ông Tiến và các gia đình khác trên địa bàn xã Nghĩa Đồng những năm về trước chủ yếu vẫn là mang tính tự phát. Mỗi hộ chỉ có một vài đàn, hơn nữa lại chưa có kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ và chưa có nhiều người biết đến.

Từ thực trạng trên, ông Tiến và 17 hộ gia đình trên địa bàn xã có cùng đam mê đã thành lập tổ hợp tác sản xuất mật ong xã Nghĩa Đồng. Các thành viên đã hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong, hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm.

Đặc biệt năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hướng dẫn, xây dựng quy trình sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn OCOP, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ trong in ấn bao bì sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo...

Từ đó các hộ nuôi đã làm chủ được quy trình, sản phẩm ngày càng phát triển. Sản phẩm mật ong Nghĩa Đồng đã đạt OCOP 3 sao. Đến nay Tổ hợp tác cũng đã lớn mạnh với trên 50 thành viên. Thu nhập đạt gần 100 triệu/thành viên/năm.

Với mục tiêu tạo thương hiệu và giá trị “Mật ong xã Nghĩa Đồng” trên thị trường, thu hút mở rộng thành viên và phát triển thành hợp tác xã trong năm 2025, Tổ hợp tác rất chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng mật ong, cam kết bán mật ong nguyên chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Bùi Thanh Bảo, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết từ lâu những giọt mật ong mang hương vị của thiên nhiên, hòa quyện sánh mịn, thơm ngon, bổ dưỡng của Nghĩa Đồng đã trở thành thương hiệu của địa phương.

Tuy nhiên, chỉ đến khi chương trình OCOP được triển khai thì thương hiệu mật ong Nghĩa Đồng mới được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Địa phương cũng luôn tạo điều kiện, phối hợp với các ban ngành, tổ hợp tác nuôi ong thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật giúp người dân nắm bắt và áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong.

Với giá bán ổn định, cách chăm sóc không khó, nghề nuôi ong ở Nghĩa Đồng hiện đang góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giúp đồng bào vùng cao xã Nghĩa Đồng xoá đói giảm nghèo bền vững.

Đây cũng là hướng đi đúng đắn để người dân khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thời gian tới, để sản phẩm mật ong xã Nghĩa Đồng vươn xa ra thị trường, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành có liên quan, Tổ hợp tác sản xuất mật ong xã Nghĩa Đồng sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến để nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm “Mật ong Nghĩa Đồng.”

Tổ hợp tác cũng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, tổ chức tiếp thị với các hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh để phục vụ người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục