Nghệ An: Liên tục các ca cấp cứu ngộ độc khí do đốt than sưởi

Ngành y tế tỉnh Nghệ An đã khuyến cáo người dân không nên đốt than củi, than đá, bếp điện để sưởi ấm bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Nghệ An: Liên tục các ca cấp cứu ngộ độc khí do đốt than sưởi ảnh 1Người dân đốt lửa sưởi ấm chống rét ở thành phố Vinh, Nghệ An. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại Nghệ An, trong bốn ngày qua, do thời tiết rét đậm rét hại, nhiều hộ dân đã đốt than củi, than đá để sưởi ấm, đặc biệt ở vùng nông thôn. Trên thực tế, một số trường hợp đã bị ngộ độc khí CO, thậm chí tử vong do ngộ độc quá nặng.

Ngành y tế tỉnh Nghệ An đã khuyến cáo người dân không nên đốt than củi, than đá, bếp điện để sưởi ấm bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

Tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chỉ trong 3 ngày qua đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhân ngộ độc ngạt khí than, trong đó có 3 sản phụ mới sinh con ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Có trường hợp hy hữu là 5 người trong một gia đình cùng bị ngộ độc do sưởi than trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, trong đó một cháu nhỏ 18 tháng tuổi đã tử vong.

Ghi nhận tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhân nhập viện bị nhiễm độc đều do sưởi ấm chống rét không đúng cách, họ đã sưởi ấm bằng than trong phòng bịt kín. Đối tượng bệnh nhân bị nhiễm độc hều hết là sản phụ, trẻ nhỏ và người già. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, da niêm mạc tái, kém hồng, rối loạn ý thức. Xét nghiệm khí máu cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO, tranh chấp oxy trong máu. Các bác sỹ đã dùng máy hỗ trợ thở oxy liều cao, truyền dịch và tiêm chống co giật.

Theo Bác sỹ Trần Văn Thành – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An khuyến cáo: Cách đốt than sưởi ấm chỉ sử dụng than củi, tuyệt đối không sử dụng than đá và than tổ ong. Không nên đốt than trong nhà và ở trong phòng bịt kín, khi đốt lửa sưởi ấm cần mở cửa phòng để có không khí trao đổi. Ngoài cách sưởi than truyền thống, người dân có thể sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện như quạt điện, chăn điện, máy sưởi, điều hòa nóng…

Với các thiết bị này người dân cần kiểm tra kỹ càng về đường dây điện tránh điện rò rỉ ra bên ngoài. Sử dụng thiết bị sưởi ấm trong thời gian ngắn và phải tắt thiết bị khi trong người đủ ấm.

Bác sỹ Thành cũng khuyên, để giữ ấm cơ thể, nhất là trẻ nhỏ và người già nên mặc đủ ấm, ở trong nhà kín gió không nên ra ngoài khi nhiệt độ đang xuống thấp. Đối với người lớn phải ra ngoài đi làm nên trang bị cho mình áo, mũ, tất tay, tất chân để bảo vệ sức khỏe.

Những ngày qua ở Nghệ An, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, ở vùng núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông… nhiệt độ đã xuống dưới 0 độ C, băng tuyết rơi dày.

Đến sáng 27/1, nhiệt độ ở thành phố Vinh xấp xỉ gần 10 độ C, một số trường tiểu học đã cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là các huyện miền núi cao thì vẫn cho học sinh bậc mầm non, tiểu học và một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân chủ yếu là người già và trẻ nhỏ nhập viện khá cao, chủ yếu là các bệnh hô hấp cấp ở trẻ và đột quỵ ở người lớn tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục