Nghệ An: Làng nghề đóng tàu 700 năm chật vật tìm hướng đi giữ nghề

Đi một vòng quanh làng nghề đóng tàu Trung Kiên có thể bắt gặp những chiếc tàu phai màu sơn, hoen gỉ và cũ kỹ; nhiều cơ sở đóng tàu đóng cửa, mặt bằng bỏ trống, máy móc, dụng cụ đóng tàu bị hư hỏng.
Một số ít cơ sở tại Làng nghề có đơn đặt hàng đóng tàu loại công suất nhỏ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Một số ít cơ sở tại Làng nghề có đơn đặt hàng đóng tàu loại công suất nhỏ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là nơi từng hạ thủy những “con tàu không số” trong thời chiến và là nơi đóng vô số tàu thuyền vươn khơi, bám biển cho ngư dân tỉnh Nghệ An và các tỉnh phụ cận trong suốt hàng trăm năm qua.

Sau nhiều năm hoạt động theo hộ gia đình, năm 2003, Hợp tác xã Làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên ra đời gồm 39 thành viên với hơn 300 lao động.

Ngày 25/11/2014, làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam'' và được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam."

Song hiện tại, người dân làng nghề đóng tàu Trung Kiên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để giữ nghề truyền thống 700 năm nay của ông cha.

Khó khăn giữ nghề truyền thống

Về làng đóng tàu Trung Kiên những ngày này, người ta không còn thấy không khí lao động sôi nổi, tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang cả một vùng cửa biển như trước đây, thay vào đó là không khí vắng vẻ, đìu hiu.

Đi dọc một vòng ven biển của làng nghề, người ta dễ bắt gặp những chiếc tàu phai màu sơn, hoen gỉ và cũ kỹ nằm nép mình một góc từ lâu; nhiều cơ sở đóng tàu đã đóng cửa, mặt bằng bỏ trống, máy móc, dụng cụ đóng tàu… lâu ngày không sử dụng đã hư hỏng phần nhiều.

Cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Trọng Nhỏ (72 tuổi, xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) là một trong số ít các cơ sở hiện vẫn đang có đơn đặt hàng để đóng tàu mới vào thời điểm hiện nay với 4 công nhân đang làm việc.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con tàu thứ 5 trong suốt 3 năm qua của gia đình ông Nhỏ và đều loại tàu thuyền công suất nhỏ (24 CV).

Ông Nguyễn Trọng Nhỏ cho biết trước đây thời điểm “ăn nên làm ra” cơ sở của gia đình ông luôn đóng cùng lúc 6-8 chiếc tàu với nhiều công suất khác nhau, tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động.

Nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn đặt hàng đóng tàu gỗ rất ít vì theo Nghị định 67 chỉ ưu tiên dùng tàu vỏ sắt để vươn khơi.

Đơn đặt hàng đóng tàu mới không có, công nhân không có việc làm, một số ít bám trụ lại chỉ để chờ cải hoán, sửa chữa, sơn sửa định kỳ các tàu cá; một số khác cũng bỏ làng nghề ra đi để tìm kiếm việc làm khác.

Nghệ An: Làng nghề đóng tàu 700 năm chật vật tìm hướng đi giữ nghề ảnh 1Hiện chỉ có 3 – 4 xưởng đóng tàu còn duy trì được việc làm cho người lao động. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Còn tại cơ sở đóng tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Lễ, để duy trì việc làm cho công nhân suốt hai năm qua, ông đã phải chạy đi, chạy lại ở nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Ninh… để tìm kiếm đơn đặt hàng đóng tàu.

Với ông Nguyễn Văn Lễ, việc các ngư dân không quản gần xa tìm đến các cơ sở đóng tàu tại Làng đóng tàu Trung Kiên để đặt hàng đóng tàu vươn khơi hàng năm giờ đã chìm trong tiềm thức.

Ông Nguyễn Văn Lễ cho biết khác với nhiều năm trước, hằng năm cơ sở ông đều đóng trên 20 chiếc tàu công suất các loại.

Trong năm 2020, cơ sở của ông chỉ có đơn đặt hàng đóng 8 chiếc tàu cá. Năm nay, hiện cơ sở đang đóng 4 chiếc đầu tiên cho các chủ tàu cá tại Hải Phòng; khó khăn chồng chất khi giá vật liệu và giá nhân công ngày càng lên cao; việc duy trì làng nghề đóng tàu truyền thống của ông cha đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

Không may mắn như cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Trọng Nhỏ và ông Nguyễn Văn Lễ, tại Làng nghề đóng tàu Trung Kiên, hiện nhiều cơ sở đóng tàu đã phải đóng cửa do không có việc làm, mặt bằng bỏ trống, thợ bỏ nghề đi tìm công việc khác, nguy cơ nghề truyền thống của ông cha gây dựng bao đời đang dần bị mai một.

[Gần 40 tỷ đồng đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn]

Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề đóng tàu Trung Kiên cho biết, toàn xã Nghi Thiết có 33 xưởng đóng tàu thì chỉ có 3-4 xưởng còn duy trì được việc làm cho người lao động.

Làng nghề đóng tàu Trung kiên đang gặp nhiều khó khăn là do sau khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản ban hành với nhiều ưu đãi cho tàu xa bờ và ưu tiên tàu bằng vỏ thép, nên ngư dân Nghệ An và các ngư dân vùng biển khác không còn tha thiết đầu tư đóng mới tàu thuyền vỏ gỗ; các xưởng đóng tàu, thuyền không còn hoạt động hiệu quả như trước.

“Làng nghề đóng tàu Trung Kiêm đã có 700 năm tuổi, nhiều năm trước luôn được các ngư dân từ mọi miền cả nước tìm về đặt hàng đóng tàu vì tay nghề thợ tại đây cao, có nhiều kinh nghiệm đóng tàu công suất lớn. Người dân nơi đây cứ cha truyền con nối giữ lấy cái nghề truyền thống bao đời nay. Hiện dù làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, song lớp hậu sinh chúng tôi phải có trách nhiệm duy trì và phát triển nghề truyền thống và truyền lại cho các thế hệ mai sau,” ông Nguyễn Gia In trăn trở.

Cần có nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Lê Đăng Nguyễn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Thiết, cho biết, Làng nghề đóng tàu Trung Kiên hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như, hầu hết các cơ sở không có đơn đặt hàng đóng tàu mới; nhiều có sở có mặt bằng chật hẹp, không đủ trang thiết bị để tiếp nhận được những con tàu có trọng tải lớn; luồng lạch ngày càng bồi lắng khiến việc hạ thủy tàu lớn và tàu lớn ra vào sửa chữa gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, những cây gỗ lớn để đóng các tàu lớn cũng đang ngày càng cạn kiệt nên nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập gỗ từ Lào với chi phí đắt đỏ và tốn kém hơn; nguồn lao động trẻ, kế cận đang ngày càng thiếu hụt do các cơ sở đóng tàu không duy trì được các đơn hàng đóng tàu thường xuyên để ổn định thu nhập.

Nghệ An: Làng nghề đóng tàu 700 năm chật vật tìm hướng đi giữ nghề ảnh 2Nhiều cơ sở đóng tàu tại Làng nghề đóng tàu Trung Kiên giờ chỉ còn là bãi đất trống. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Theo ông Lê Đăng Nguyễn, chính quyền địa phương và Hợp tác xã Làng nghề đóng tàu Trung Kiên đã nhiều lần làm việc với các cơ quan cấp trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho làng nghề.

Trước mắt, Hợp tác xã làng nghề đang tích cực vận động các chủ xưởng tìm kiếm nguồn thị trường mới, các đơn hàng đóng tàu ở các tỉnh thành khác nhau để duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho lao động, giữ nghề truyền thống.

Chính quyển địa phương cũng đã định hướng cho một số lao động tìm hướng chuyển đổi sang ngành nghề khác, một số có thể bám nghề đóng tàu thuyền song song với việc phát triển nghề mộc dân dụng.

Tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều thế mạnh về khai thác thủy hải sản với 3.500 tàu cá các loại, 16.000 lao động hành nghề khai thủy hải sản trên biển.

Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có 54 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; trong đó có 1 Hợp tác xã Làng nghề đóng tàu (Làng nghề đóng tàu Trung Kiên) và 7 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu thuyền.

Ông Trần Như Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác thủy hải sản Nghệ An cho biết, các cơ sở, làng nghề đóng tàu hiện đang gặp khó khăn như hiện nay nguyên nhân sâu xa là do các đội tàu khai thác thủy hải sản trên biển hoạt động không còn hiệu quả như trước đây nên việc đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá cũng hạn chế.

Bên cạnh đó, hạn ngạch khai thác vùng khơi, vùng lộng, vùng ven bờ nên việc đóng mới tàu cá phải theo quy định chứ không như trước đây đóng mới một cách thoải mái.

Trong đó nguyên nhân chính là việc khai thác thủy hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy hải sản thời gian gần đây có dấu hiệu suy giảm, chi phí đầu vào của các ngư dân tăng cao đặc biệt là việc thuê lao động làm việc trên tàu; do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả thủy hải sản sau khai thác giảm… hiệu quả sau khai thác giảm hơn nhiều.

Để tháo gỡ khó khăn trên, theo ông Trần Như Long, các làng nghề đóng tàu phải xác định rõ đối tượng khách hàng của mình và thay đổi cách sắp xếp lại lao động để đạt hiệu quả hơn.

Về quản lý nhà nước, phải xử lý các nguyên nhân sâu xa từ khách hàng của các làng nghề là việc khai thác thủy hải sản cần được phải cải thiện, nâng cao hiệu quả.

Do đó, làng nghề cần phải giải quyết nhiều nhóm vấn đề, khai thác đúng quy định, có trách nhiệm của ngư dân; quản lý, tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng trong hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển cần chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, duy trì ổn định và tiến tới giảm số lượng tàu cá không chỉ riêng tỉnh Nghệ An mà cả nước nói chung, góp phần phục hồi lại nguồn lợi thủy hải sản nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản của các tàu cá, từ đó các làng nghề sẽ hoạt động hiệu quả và có công ăn việc làm trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục