Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu giai đoạn 2015-2020 thu hút được khoảng 100.000 tỷ đồng vốn từ các dự án đầu tư, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 50.000 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, từ năm 2015, Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, coi đây là việc làm quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tỉnh quy hoạch, định hướng cụ thể các lĩnh vực có nhu cầu thu hút đầu tư; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư; tạo các quỹ đất sạch và ban hành các cơ chế khuyến khích về thuê đất, đào tạo, tuyển dụng lao động, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho các dự án đầu tư.
Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phấn đấu năm 2015 chỉ số PCI của tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước và đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm số PCI tốt nhất cả nước.
Ngoài ra, Nghệ An cũng sẽ tổ chức lại hoạt động của các cơ quan xúc tiến đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, theo hướng một đầu mối trong toàn bộ quá trình khảo sát, tìm hiểu, đăng ký và thực hiện dự án đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Hiện nay Nghệ An đang có nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp, công nghiệp là những lĩnh vực tỉnh đang có nhiều tiềm năng, nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên nội lực đầu tư của tỉnh hạn chế, chưa khai thác được các tiềm năng, thế mạnh.
Riêng trên lĩnh vực ngư nghiệp, tỉnh Nghệ An có bờ biển dài trên 82km, trải dài qua các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò; tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn vốn và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nuôi trồng, chế biến thủy sản nên ngành thủy sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng; các cơ sở chế biến thủy sản chủ yếu làm nhiệm vụ thu mua, cấp đông để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở những tỉnh khác, chưa thể trực tiếp chế biến để xuất khẩu.
Năm 2014, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 105 dự án, với tổng vốn đăng ký 18.522 tỷ đồng. So với năm 2013, số dự án cấp mới tăng 45,83%, số vốn đăng ký tăng 43,74%. Các dự án đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động.
Một số dự án có quy mô đầu tư lớn đang được thực hiện tại địa phương, như Dự án Tổ hợp đô thị và khách sạn Hà Nội-Kim Liên 720 tỷ đồng; quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu-Song Ngư tại thị xã Cửa Lò (1.969 tỷ đồng); bến cảng Thanh Thành Đạt thuộc cảng biển Đông Hồi (560 tỷ đồng); dự án nhà máy sản xuất ván sợi MDF tại Khu kinh tế Đông Nam (1.908 tỷ đồng); dự án thực phẩm MASAN (1.200 tỷ đồng), Tôn Hoa Sen (2.300 tỷ đồng), Siêu thị Nguyễn Kim (550 tỷ đồng), Vingroup (2.392 tỷ đồng).../.