Nghệ An hỗ trợ kịp thời người dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương

Nhiều đại phương ở Nghệ An đang lên kế hoạch đào tạo nghề để tận dụng lao động địa phương cũng như hỗ trợ những lao động ở các vùng dịch trở về quê hương.
Nghệ An hỗ trợ kịp thời người dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương ảnh 1Ngân hàng Chính sách huyện Con Cuông giải ngân vốn kịp thời cho những lao động trở về địa phương. (Ảnh: Vietnam+)

Theo số liệu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại có tới gần 100.000 lao động ở các vùng dịch trở về Nghệ An, trong đó có 76.000 là lao động. Việc người dân trở về địa phương như này sẽ gây áp lực lớn cho việc ổn định, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

“Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đã nắm rõ, để từ đó ưu tiên dành nguồn lực giải ngân kịp thời, đảm bảo những trường hợp được vay vốn có để làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương của mình,” Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết.

Kịp thời hỗ trợ vốn tạo việc làm

Theo chân cán bộ tín dụng, chúng tôi đến xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông - nơi có 457 lao động trở về từ vùng dịch, trong đó có 31 người dân tộc Đan Lai trở về với hai bàn tay trắng và một cuộc sống vất vả đang chờ họ gồng gánh phía trước.

Trường hợp Lê Văn Cơ ở bản Tân Sơn dứt áo vào Nam để kiếm việc làm mong thêm chút thu nhập. Thế nhưng làm thợ hồ vừa được 20 ngày, thì dịch không làm được nữa. Sau một tháng cách ly tập trung, Lê Văn Cơ trở về nhà với mẹ già và 3 đứa con, tài sản duy nhất mang trở về lúc này là chiếc xe máy cũ mang từ trong Nam ra.

[Vốn chính sách tạo đem đến sống mới trên miền đất Nam Tây Nguyên]

Nhìn mẹ già và 3 con nhỏ nheo nhóc và ngôi nhà cũ ọp ẹp trống hoác, Cơ lại chẳng biết làm gì vì vốn liếng không có. Thế nên khi được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách, nút thắt lớn trong lòng đã được cởi bỏ. Lê Văn Cơ vay 50 triệu đồng sẽ mua 2 con bò, làm nương, rẫy, cải tạo vườn trồng cỏ, ngô để lo cuộc sống tương lai sau này. “Tôi xác định sẽ không đi đâu nữa, ở nhà chăm mẹ với con ăn học, làm kinh tế gia đình,” Cơ cho biết.

Với anh Vi Văn Bình ở xóm Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã đi làm công nhân trong miền Nam, đóng bảo hiếm xã hội hơn 5 năm nên không có ý định từ bỏ. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm nên Bình cũng chưa tính đến trở vào Nam, vì vậy, việc mưu sinh trong ngắn hạn cũng trở thành điều mong mỏi nhất để có thêm chi phí trang trải nuôi con đang tuổi ăn, tuổi lớn học hành.

Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Bình đã giải tỏa được tâm tư ấy. Cầm tiền vay trong tay, Bình cho biết sẽ mua trâu, bò, vịt, gà, vịt, chăn nuôi để trang trải cuộc sống lo cho con.

“Nếu Việt Nam kiểm soát được dịch có thể là em cũng sẽ đi làm xa nhà. Ở trong Nam, mỗi tháng kiếm được 5-6 triệu đồng, em gửi về 1,5 triệu đồng cho con bé ăn học. Số còn lại, mỗi năm em tiết kiệm được 30-40 triệu đồng,” anh Bình nói.

Với xã nghèo Lục Dạ, tỷ lệ hộ nghèo đang còn chiếm tới 16,62%, tìm việc làm ngoại tỉnh cũng từ nhiều năm nay trở thành con đường mà người dân lựa chọn để cải thiện cuộc sống với hơn 1.129 lao động. Và nay, sau dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã có 224 người dân trở về, trong đó từ các tỉnh phía Nam là 137 người và có 38/107 hộ nghèo có người đi làm ăn xa các tỉnh phía Nam trở về.

Nghệ An hỗ trợ kịp thời người dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương ảnh 2NHCSXH huyện Con Cuông hướng dẫn Vi Văn Bình hoàn thiện thủ tục vay vốn. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Lô Thị Mậu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết: “Qua trao đổi thì hướng trong tương lai của những công dân này nói là sẽ không đi làm xa quê nữa và mong tiếp tục sử dụng đồng vốn để đầu tư vào phát triển chăn nuôi sản xuất. Mặc dù các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động ở các tỉnh phía Nam nhưng chỉ có duy nhất một công dân làm hồ sơ tiếp tục vào làm việc, còn lại một số làm việc ở các tỉnh phía Bắc, một số ít làm thợ xây trong huyện và các huyện lân cận.”

Cần sự vào cuộc của các cấp ngành

Đi đến các tỉnh và vào Nam tìm việc làm từ lâu đã trở thành lối thoát cho nhiều người dân vùng nông thôn và cả những vùng sơn cước xa xôi hẻo lánh như Con Cuông hay Tương Dương cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thậm chí nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu chính sách đã bảo động về tình trạng ly nông, ly hương ở nhiều địa phương.

Chính vì câu chuyện người di cư trở về hiện tại dù gây áp lực cho các địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, song không thể không thừa nhận đây cũng là cơ hội để các địa phương tận dụng nguồn lực phát triển kinh tế. Việc điều chỉnh các kế hoạch phát triển kinh tế địa phương tận dụng nguồn lực để phát triển trong bối cảnh bình thường mới là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư huyện ủy Tương Dương cho biết tác động xấu của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng những chiến lược phát triển, thậm chí là những kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Ngày trước, chưa có dịch bà con có thể đi làm ở các trung tâm, nhà máy, các tỉnh khác... nhưng giờ đây, nhiều người đã trở về địa phương.

Huyện Tương Dương đây cũng định hướng phát triển chuyển dịch dần sang thương mại, công nghiệp và giảm bớt tỷ trọng của giá trị của sản xuất nông nghiệp. “Nhưng hiện nay, chúng tôi phải đưa giá trị nông nghiệp lên cao hơn. Bởi vì chúng tôi có dư địa, chủ yếu là đất nông lâm, ngư nghiệp. Cần phải nâng cao vì chính nông lâm, ngư nghiệp này mới giải quyết được việc làm tại chỗ người lao động hiện nay,” ông Hải cho biết.

Dù biết tới đây khi các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp đang phục hồi và trở lại trạng thái bình thường và khi ổn định rồi thì người lao động chắc chắn trở lại bởi họ đã có kỹ thuật, đã biết địa bàn mới và quen việc làm, song ông Hải cho hay trước hết huyện muốn giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân đồng thời thực hiện tốt mục tiêu kép mà Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.

"Đồng hành với việc trên chúng tôi sẽ nâng cao trình độ, khả năng của người lao động thông qua nhiều nguồn đào tạo lao động nông thôn," ông Hải chia sẻ.

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Với phương châm cho cần câu hơn cho xâu cá, chi nhánh tỉnh thực hiện việc giải ngân kịp thời nguồn vốn cho các đối tượng lao động địa phương trở về sau đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Để những người nghèo được vay vốn thoát nghèo bền vững thì ngoài nguồn vốn cần sự hỗ trợ, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền và cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ngành”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục