Bốn vết nứt kéo dài hàng trăm mét cắt ngang bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vào những ngày mưa lớn, mặt đất thiếu ổn định, những ngôi nhà bắt đầu phát ra tiếng kêu lạ, khiến ai nấy đều lo lắng bởi nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm là thế, nhưng vì thiếu kinh phí di dời nên từ 3 năm nay, 39 hộ dân vẫn phải bám trụ ở đây và sống trong sợ hãi.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 8, vùng núi tỉnh Nghệ An mưa to. Tại bản Nam Tiến 2, người dân không ai bảo ai, thu dọn các vật dụng trong nhà sẵn sàng di dời về trường mầm non trong bản.
Theo Trưởng bản Nam Tiến 2 Xeo Phò Thuyên, bà con định cư ở đây đã rất lâu. Đến năm 2018, sau đợt mưa lũ kéo dài, người dân hoảng hốt khi phát hiện nhiều vết nứt lớn cắt ngang qua bản.
Những năm sau đó, cứ đến mùa mưa là các vết nứt lại rộng thêm, khu vực bản cũng bắt đầu xuất hiện các mạch nước ngầm, nguy cơ xảy ra sạt lở luôn thường trực. Riêng nhà sinh hoạt cộng đồng bản Nam Tiến 2 đã bị sụt lún xuống gần 1m so với nền cũ và xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nên phải đóng cửa.
Ông Ven Phò Hợi, ở bản Nam Tiến 2, cho biết nhà ông cũng có hiện tượng sụt lún và xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều hôm chỉ mưa nhỏ thôi thì nhà cửa bắt đầu phát ra tiếng kêu, rất sợ. Nếu mưa to, cả nhà phải di dời đến trường mầm non của bản ở tạm chứ không ai dám ở nhà. Bây giờ cứ thấy trời mưa là người dân trong bản ai cũng nơm nớp lo sợ.
[Mưa lũ lớn gây ngập úng và sạt lở đất tại nhiều địa phương]
Trước nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đã có 11 hộ dân chủ động di dời về nơi ở an toàn, tuy nhiên hiện vẫn còn 39 hộ với hơn 200 khẩu không có điều kiện di dời vẫn phải bám trụ chờ đợi.
Qua các buổi làm việc người dân trong bản đều mong muốn chính quyền địa phương sớm bố trí được mặt bằng tái định cư trước, bà con có thể tự di dời đến.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bảo Nam Moong Văn Chăn, toàn bộ bản Nam Tiến 2 có 50 hộ với gần 300 khẩu đều nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao.
Qua kiểm tra, có 4 vết nứt lớn cắt ngang qua bản, trong đó, vết nứt lớn nhất nằm ở lưng chừng núi dài từ đầu bản đến cuối bản. Các vết nứt còn lại có độ dài từ 100-200m, rộng từ 50cm-1m, sâu khoảng 40cm-2m.
Để đảm bảo tính mạng cho người dân, khi trời mưa to, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng di dời bà con đến ở tạm tại trường mầm non trong bản. Tuy nhiên, về lâu dài, xã đề nghị chính quyền cấp trên sớm bố trí kinh phí xây dựng khu tái định cư để bà con được di dời đến nơi ở mới an toàn.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết từ năm 2018, sau đợt mưa lũ kéo dài, nhiều khu vực trên địa bàn huyện đã xuất hiện hiện tượng sạt lở.
Cụ thể như bản Cánh (xã Tà Cạ), bản Na Mỳ, Vàng Phao (xã Mường Típ), Khối 4 thị trấn Mường Xén, bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam)... với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.
Huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá trình hình, lên phương án di dời và báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí để di dời gặp nhiều khó khăn nên hiện địa phương vẫn chưa thể thực hiện được.
Trong thời gian chờ đợi cấp trên bố trí nguồn vốn xây dựng khu tái định cư, để đảm bảo tính mạng cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình mưa bão, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài thì bằng mọi cách di dời người dân đến nơi an toàn.
Kỳ Sơn là huyện miền núi có địa hình phức tạp, trong khi quỹ đất phù hợp để làm nhà rất ít nên đa số đồng bào nơi đây phải làm nhà ở những khu vực sườn đồi có nguy cơ sạt lở rất cao. Trong khi nguồn lực còn thiếu, việc nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai và nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng tránh là giải pháp tối ưu để hạn chế thiệt hại./.