Nghệ An, Hà Tĩnh sắp tổ chức Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm

Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức tối 31/1 tới, tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Các nghệ sỹ của Câu lạc bộ thành phố Hà Tĩnh biểu diễn tiết mục: "Phường vải-phường nhủi đồng môn." (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014, tại Paris của Pháp.

Nhân sự kiện này, tối 31/1 tới, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ tổ chức Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dịp này, phóng viên TTXVN tại Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An về giá trị của di sản và kế hoạch bảo tồn dân ca Ví, Giặm trong thời gian tới.


- Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “máu thịt” của người dân xứ Nghệ, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện cho nhân loại. Đây không chỉ là vinh dự lớn của Việt Nam, của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn cho thấy sức sống trường tồn cũng như giá trị tinh thần to lớn của loại hình nghệ thuật này. Xin ông nêu một số nét về giá trị của di sản?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng nghìn năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non… Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động, như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm cửa quyền…

Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản, văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng được những tiêu chí để đăng ký vào danh sách đại diện.

Ngày 27/11/2014, tại Paris của Pháp, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh này cho thấy, thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca đặc biệt này; đồng thời, sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản này.

- Không phải đơn giản để dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. Thực tế thời gian qua địa phương đã bảo tồn di sản này thế nào để đạt được kết quả như vậy?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Từ năm 1996, ngành văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình triển khai chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình (chủ yếu là Ví, Giặm) với sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ, nghệ nhân; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, nhất là các trường phổ thông cơ sở với giáo trình cụ thể dạy hát dân ca, trong đó tập trung vào dân ca Ví, Giặm.

Đồng thời, biên tập và xuất bản sách, cung cấp nhiều băng đĩa hát dân ca để làm tài liệu cho các trường; tổ chức phong trào “Thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học;” tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường. Phong trào hát dân ca rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, hệ thống các câu lạc bộ đàn và hát dân ca cơ sở được thành lập.

Dù hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, các câu lạc bộ này đều là hạt nhân, là nòng cốt để lưu giữ và phát huy dân ca Ví, Giặm. Hàng năm, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều tổ chức tập huấn các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhạc sỹ cũng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn những công trình về hát Ví, Giặm; một số chương trình, dự án cấp Bộ, cấp tỉnh cũng được xây dựng và thực hiện. Từ năm 2002, Sở Văn hóa, Thông tin Nghệ An đã phối hợp với Viện Sân khấu tổ chức Hội thảo “30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh.”

Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An tổ chức Hội thảo "Khoa học bảo tồn và phát huy dân ca Hò, dân ca Ví, Giặm” nhằm tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca và có những giải pháp để sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển, qua đó đánh giá lại một cách tổng thể những giá trị của dân ca Ví, Giặm và đề ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy.

- Thực tế ở Việt Nam đã có một số di sản được tôn vinh, nhưng việc bảo tồn sau vinh danh lại thực hiện không tốt. Đối với dân ca Ví, Giặm, tỉnh Nghệ An làm gì để bảo tồn, phát huy tốt giá trị?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Những kết quả từ công tác kiểm kê cho thấy, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh có gần 100 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân; các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã quan tâm đến việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm.

Hai tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị 12 nghệ nhân khác.

Ngoài ra, trong thời gian tới, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Nghệ An tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca Ví, Giặm; tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án cấp Bộ, cấp tỉnh; tổ chức các hội thảo khoa học về di sản dân ca Ví, Giặm với nhiều chủ đề.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ đàn và hát dân ca cơ sở, đến năm 2015, có 30-40% xã có câu lạc bộ dân ca Nghệ Tĩnh; tổ chức truyền dạy Ví, Giặm; đưa dân ca Ví, Giặm vào nội dung sinh hoạt lễ, hội, lồng ghép trong liên hoan tiếng hát Làng Sen hàng năm; làm tốt công tác xã hội hóa, thực hiện tốt chương trình hành động về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Tỉnh Nghệ An cũng sẽ ban hành chính sách đại ngộ nghệ nhân; bảo tồn, phục hồi lại một số bài bản, điệu hát truyền thống đã bị mai một; bảo tồn, phục dựng một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của di sản; kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho các Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản…/.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục