Nghệ An, Hà Nội tổ chức kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ

Một số hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) sẽ được tổ chức tại Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như thành phố Hà Nội.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chiều 6/5, ông Kha Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tại Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một số hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Cụ thể, ngày 8/5/2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 16/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổng kết Kế hoạch số 196-KH/TU ngày 13/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tổ chức đợt hoạt động với chủ đề "Nghệ An làm theo lời Bác dặn" năm 2019-2020; trao giải cho các tác giả đạt giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cấp tỉnh, đợt II, giai đoạn 2015-2020.

Sáng 17/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy mô cấp tỉnh.

Trước khi tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn), với sự tham gia của khách mời Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Trưởng các đoàn thể cấp tỉnh.

Ngày 19/5/2020, tỉnh Nghệ An phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sáng ngời Ý chí Việt Nam."

Từ ngày 15/5 đến ngày 30/5/2020 tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Kha Văn Tám, dịp này tại Nghệ An, một số công trình dự kiến được khởi công và hoàn thiện chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, như tôn tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền thờ Chung Sơn, Nhà trưng bày và khu bái đường giai đoạn 2 tại Khu Di tích Kim Liên; tôn tạo, sữa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (đây là công trình được xây dựng với sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An).

Tỉnh đã rút gọn nhiều hoạt động trong phần lễ và phần hội của các sự kiện liên quan đến các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể là không tổ chức lễ khai mạc, tổng kết Lễ hội Làng Sen, không tổ chức diễu hành từ Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh) về quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) như những năm trước, không tổ chức rước ảnh Bác qua các thời kỳ từ quê ngoại sang quê nội Bác Hồ.

Các hội nghị, hội thi, Liên hoan tiếng hát Làng Sen toàn quốc, tuyên truyền giới thiệu sách, triển lãm đất nước con người ASEAN, triển lãm và tuần phim về Bác Hồ cũng như lưu diễn văn nghệ quần chúng sẽ không được triển khai như kế hoạch ban hành trước đó.

Tỉnh Nghệ An khẳng định, việc tổ chức các hoạt động trên, đặc biệt là việc tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo trang trọng, có ý nghĩ thiết thực, phù hợp và phải tuân thủ đúng quy định công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[Khai mạc triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch]

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô công lao và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, khẳng định với vị thế là trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội vinh dự, tự hào là nơi Bác Hồ sống và làm việc lâu nhất, qua đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đối với Bác.

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thành phố tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người; tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Hà Nội cũng tuyên truyền thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ đô, đất nước và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh; phân tích làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.

Cùng với tuyên truyền, thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm khác…

Cụ thể, tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm thành phố, các quận, huyện; tổ chức 2 đêm tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngành Văn hóa và các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm tranh, ảnh nội dung về cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hà Nội xây dựng bộ phim tài liệu “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” thể hiện sự quan tâm của Bác với Thủ đô Hà Nội và thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với Người.

Trong thời gian này, ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các sân khấu lớn ở khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Sân vận động Mỹ Đình… cùng nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã phục vụ nhân dân.

Ngành Văn hóa tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các quận, huyện, đặc biệt là những khu vực xa trung tâm, khu công nghiệp, chế xuất…

Các cấp, ngành, địa phương tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện, lễ dâng hương, báo công ở những nơi có khu di tích, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng thành kính, tình cảm yêu mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành phố cũng đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các địa phương tổ chức chỉnh trang, tu sửa các di tích lịch sử, cách mạng, khu lưu niệm liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, các hoạt động triển khai cần được tổ chức trang trọng, hiệu quả; tránh hình thức, phô trương, lãng phí; hướng về cơ sở, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục