Nghệ An đầu tư phát triển du lịch nông thôn thu hút du khách

Con Cuông và Quỳ Châu được đầu tư phát triển du lịch nông thôn bởi nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, lưu giữ được truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số độc đáo và hấp dẫn đối với du khách.

Tỉnh Nghệ An đang từng bước xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại hai huyện Con Cuông và Quỳ Châu, từ đó nhân ra diện rộng.

Mô hình này sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn chuyển sang dịch vụ, bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và dần từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Con Cuông và Quỳ Châu là hai huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được tỉnh ưu tiên chọn lựa để xây dựng mô hình này bởi đây là nơi lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn…, mang đậm nét văn hóa đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở Con Cuông và Quỳ Châu, các yếu tố của mô hình du lịch nông thôn như bản Xiềng, bản Nưa, bản Yên Thành hay bản Hoa Tiến… đều có cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú, môi trường trong lành, lưu giữ được truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số độc đáo và hấp dẫn đối với du khách.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của bản, làng có thể phục vụ du khách.

Địa bàn này có đủ tiềm năng để vừa có thể phát triển loại hình du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái, đồng thời với nhiều hang động, thác nước, các loài cây cổ thụ…, trong vùng có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như dưỡng bệnh, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, theo các đơn vị kinh doanh lữ hành cho biết, hai trong số các địa phương thuộc miền Tây Nghệ An mà tỉnh hướng tới để xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường là Con Cuông và Quỳ Châu, mặc dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú song vẫn chưa hội tụ đủ các yếu tố để thu hút lượng lớn du khách.

Nguyên nhân bởi cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch nơi đây còn chưa được đầu tư đầy đủ, chưa có nhiều dịch vụ phong phú cung cấp cho du khách.

Tham vấn của đoàn chuyên gia nghiên cứu về du lịch thuộc cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica, qua khảo sát thực tế mới đây cho thấy, để xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại hai huyện Con Cuông và Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cần có lộ trình thực hiện.

Trước hết, Đảng, chính quyền ở huyện và xã, thôn, bản phải nhận thức được xây dựng được du lịch nông thôn là vấn đề quan trọng nhằm phát huy giá trị của làng xã, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nhận thức này phải được thể hiện bằng hành động cụ thể từ khâu quy hoạch, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, vai trò của cộng đồng dân cư rất quan trọng trong xây dựng và phát triển du lịch nông thôn. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ du lịch, được tham gia trực tiếp vào các hoạt động với vai trò chủ thể thì lúc đó du lịch nông thôn mới thành công và phát triển bền vững.

Muốn vậy, Nghệ An cần giáo dục ý thức cộng đồng gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tránh không bị mai một.

Thực tế cho thấy, mặc dù du lịch có một vị trí đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên người nghèo ở vùng nông thôn Nghệ An chưa được hưởng lợi ích kinh tế từ ngành du lịch.

Để người nghèo nơi đây có thể được hưởng lợi ích từ ngành du lịch, thì chính bản thân người dân phải ý thức được và tham gia chính để tự tạo việc làm.

Tỉnh Nghệ An có thể tạo điều kiện định hướng, hướng dẫn cho người dân cách làm hoặc liên kết với các doanh nghiệp du lịch.

Thực tế, mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và việc làm cho người địa phương là một hệ cộng sinh, trong đó cả hai đều được hưởng lợi đáng kể. Người dân có thể tìm kiếm lợi nhuận từ du lịch thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ như hàng nông sản, đồ thủ công, các sản vật của địa phương.

Du khách tham quan tại các điểm đến có thể tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm như cùng thêu, dệt thổ cẩm, làm bánh, nấu ăn hay tham gia các hoạt động nghề nông cùng với người dân bản địa. Sau đó, sẽ có một số hoạt động trao đổi mua-bán nhỏ, lẻ, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người dân đồng thời đem lại những trải nghiệm đầy màu sắc và bổ ích cho du khách.

Khác với những loại hình du lịch khác, du lịch nông thôn rất “kén” các đối tượng khách. 90% khách du lịch đến Nghệ An là đối tượng người Việt Nam.

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam ” đã trở thành xu hướng mới trong đời sống ngày nay. Những người Việt sống ở thành thị rất muốn về các vùng quê bởi họ muốn biết cuộc sống của những người dân tộc thiểu số hoặc muốn tìm hiểu những vùng khác với vùng mình sống như thế nào.

Không những khách du lịch mà hiện nay, các nhà trường cũng nên cho học sinh của mình thử nghiệm cuộc sống bằng cách tổ chức cho các em chuyến dã ngoại về các vùng nông thôn để trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống này.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương, ngành du lịch sẽ tiến hành trang bị cho người dân địa phương kiến thức về yêu cầu, tiêu chuẩn đáp ứng đúng thị hiếu và yêu cầu của du khách. Đặc biệt là việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ, hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình trải nghiệm của khách du lịch. Song song đó là việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc trải nghiệm cuộc sống nông thôn cho khách du lịch.” Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch như giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý rác thải, thông tin liên lạc.

Giải pháp khác là đầu tư bảo tồn tôn tạo tài nguyên du lịch như bảo tồn hệ thống tài nguyên nhân văn; khôi phục, phát triển lễ hội truyền thống; khai thác và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên; xây dựng mô hình các đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách; xây dựng mô hình dịch vụ nhà nghỉ ở bản làng; đi xe đạp trong bản; khôi phục và phát triển nghề thủ công như thêu đan, dệt thổ cẩm; nghề làm nông như trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, nuôi vịt bầu… và mở thêm các dịch vụ phục vụ du lịch khác. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch.

Từ Vinh đi Quỳ Châu, Vinh đi Con Cuông hay Vinh đi thăm các huyện khác thuộc miền Tây Nghệ An là một quãng đường khá xa, thế nên, Nghệ An đang nghiên cứu tạo ra điểm dừng chân cho khách du lịch nghỉ ngơi giữa các chặng.

Theo đề xuất của chuyên gia JICA, nên chọn huyện Yên Thành, bởi đây là huyện có nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh để du khách tham quan.

Từ ưu thế về cảnh quan, sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, về lâu dài, tỉnh Nghệ An hướng tới nhân rộng mô hình du lịch từ nông nghiệp và các làng quê như Nam Đàn, Yên Thành, Đô Lương…

Trong tương lai không xa, du lịch nông thôn hay du lịch cộng đồng sẽ trở thành một trong những điểm nhấn thu hút du khách khi đến thăm Nghệ An./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục