Nghệ An đặt mục tiêu giải ngân hết chỉ tiêu vốn đầu tư công được giao

Nghệ An phát huy vai trò của người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm; đồng thời thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục của các dự án được bố trí vốn trong năm 2023.
 Nghệ An tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đã hoàn thành hồ sơ thủ tục. (Ảnh minh họa: Hồng Ninh/TTXVN)

Tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, phấn đấu giải ngân hết chỉ tiêu được giao.

Theo đó, giải pháp chính được đề ra là phát huy vai trò của người đứng đầu, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm; rà soát điều chuyển kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm và điều hòa vốn giữa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn đến năm 2025; thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục của các dự án được bố trí vốn trong năm 2023; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đã hoàn thành hồ sơ thủ tục.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 của tỉnh là 7.134,628 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết đến từng đơn vị để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, mới giải ngân được 2.982,066 tỷ đồng, đạt 41,8%.

Tính theo đơn vị chủ đầu tư có 41 đơn vị trong tỉnh giải ngân trên mức bình quân chung của tỉnh; 29 đơn vị giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh; trong đó, có 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân.

Tính theo dự án có 80/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh; trong đó, có 34 dự án chưa giải ngân.

[TPHCM thuộc nhóm địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước]

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, nguyên nhân giải ngân chậm là do giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động; giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm; quy trình thực hiện một số dự án phức tạp hơn; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời.

Mặt khác, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông...; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng.

Trong khi đó, năng lực chuyên môn của một số Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục còn chậm.

Hiện nay, cùng với các giải pháp trên, 2 tổ công tác cấp phòng cũng sẽ tổ chức làm việc trực tiếp với các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, trong tháng 9/2023 tổ công tác cấp phòng đã trực tiếp làm việc với huyện Quế Phong và Quỳ Châu; trong đó phối hợp hướng dẫn huyện Quế Phong hoàn thành hồ sơ 5 dự án trình các sở quản lý chuyên ngành thẩm định; hướng dẫn huyện Quỳ Châu hoàn thành thủ tục thẩm tra cho 2 dự án khởi công mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục