Chiều 21/3, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, nhằm tạo điều kiện cho Nghệ An có cơ hội, động lực phát triển tương xứng với tiềm năng.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, kinh tế tỉnh phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 là 115,67 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đạt mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%. Chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 218 xã (đạt 50,58%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.
[Nghệ An: Thay đổi tư duy, cách làm trong xúc tiến, thu hút đầu tư]
Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở, tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh...
Tuy nhiên, các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người và thu ngân sách của tỉnh khó đạt mục tiêu đề ra. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là tại khu vực miền Tây Nghệ An. Chất lượng xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Một số vấn đề xã hội xử lý, giải quyết còn chậm. Tình hình an ninh trật tự có nơi, có lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nơi còn kém hiệu lực, hiệu quả...
Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu, giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là tiếp tục xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị; nâng cao chất lượng tăng trưởng; giữ vững khối đại đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đến năm 2020 theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng đóng vai trò là trung tâm động lực hội nhập và phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.
Để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Chính trị xem xét, ban hành kết luận về tiếp tục, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giám sát thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai các nội dung đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước kết luận đối với tỉnh Nghệ An.
Xây dựng miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước, vì vậy tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm, bố trí thêm 30% số vốn đầu tư của Chương trình phát triển kinh tế-xã hội Vùng theo đúng Quyết định 2355/QĐ/TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, thời gian qua, nhất là 5 năm gần đây, Nghệ An đã nỗ lực vươn lên với tinh thần không cam chịu và đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt.
Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá nhanh so với cả nước; văn hóa-xã hội được quan tâm, quốc phòng an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh đạt được những kết quả khả quan...
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ một số chỉ tiêu được nêu theo Nghị quyết 26-NQ/TW vẫn chưa đạt, nhất là chỉ tiêu về bình quân thu nhập đầu người. Nguyên nhân có thể do khách quan nhưng cũng có thể do chủ quan, như sự lãnh đạo chỉ đạo ít có đột phá, quyết tâm chưa mạnh; thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... chưa phát huy được hết các lợi thế, thế mạnh của địa phương... Đây là những nội dung lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần đặc biệt lưu ý.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo tiền bối khác. Đây cũng là địa bàn có nhiều lợi thế về rừng và biển, con người cần cù, thông minh, chịu khó, có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Với những lợi thế, tiềm năng lớn, Nghệ An cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, phát huy truyền thống, thành tựu đã đạt được, khắc phục khó khăn, trở ngại, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh đi đầu, ở vị trí top đầu của cả nước.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Nghệ An trên cơ sở quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch 10 năm, kế hoạch 5 năm. Trên tổng thể, chọn mũi đột phá, bước đột phá, không lựa chọn quá nhiều mũi nhọn và phải dựa trên nền quy hoạch dài hạn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, sau cuộc họp, Bộ Chính trị sẽ ban hành thông báo kết luận sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về những mặt đã làm được, chưa làm được, phương hướng sắp tới để tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Đến năm 2023, Bộ Chính trị sẽ họp bàn, xem xét trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết./.