Nghệ An: Cần ngăn chặn nạn “quế tặc” ở huyện vùng cao Quế Phong

Ở huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cây quế là cây sinh kế chính của hàng trăm gia đình; từ trồng quế mà các hộ dân mưu sinh, nuôi các con ăn học và làm giàu.
Trong tháng 12, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong bị kẻ gian bóc trộm 30 cây quế đang đến kỳ thu hoạch buộc phải chặt bỏ cây. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Gần đây, tình trạng kẻ gian đến bóc trộm vỏ quế khi đến giai đoạn thu hoạch ở huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An tái diễn với thủ đoạn ngày càng liều lĩnh.

Hành vi này khiến nhiều hộ dân Quế Phong bức xúc và bất an bởi bỏ công chăm sóc cây quế hàng chục năm, chưa kịp thu hoạch đã bị kẻ gian đến bóc trộm hết vỏ.

Một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân chị Vi Thị Ngọc Thu, khối Cỏ Nong, thị trấn Kim Sơn lên núi Pù Hiếu để chứng kiến những gốc cây quế trên 20 năm vừa đốn hạ vì bị bóc trộm hết vỏ.

Pù Hiếu trước năm 1990 là những ngọn đồi trọc, được coi là “vùng đất chết,” các khe, suối xung quanh gần như cạn nước. Từ chủ trương của chính quyền, nhiều hộ dân đã bắt đầu phủ xanh ngọn núi bằng cây quế, giúp khu vực này dần hồi sinh.

[Định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm quế Việt Nam]

Trước đây, gia đình chị Thu có đến 8ha quế nhưng do bị mất trộm nhiều, phần lớn diện tích được chuyển qua trồng keo. Đến nay, gia đình chị còn hơn 1ha quế nhưng số cây này cũng thường xuyên bị trộm. Chỉ từ đầu tháng 12 đến nay, gia đình chị đã bị trộm vỏ của hơn 30 cây quế.

Cũng vì nạn trộm quế, nhiều hộ dân ở khối Cỏ Nong đã không đủ kiên nhẫn, phải thu hoạch sớm quế trồng trên núi Pù Hiếu, sau đó không tiếp tục trồng mới quế mà chuyển qua trồng keo. Trên núi Pù Hiếu chỉ còn ba hộ duy trì trồng quế. Từ đầu năm đến nay, cả ba hộ này đã có hơn 200 cây bị trộm vỏ, chủ yếu là những cây hơn 20 năm tuổi.

Theo tính toán của chị Vi Thị Ngọc Thu, mỗi cây quế nếu để người dân thu hoạch vỏ từ thân đến cành có thể bán được hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cứ cây nào đến kỳ thu hoạch lại bị kẻ gian bóc trộm vỏ thân cây đó, vì vậy gia đình chỉ còn đi “thu lượm” lại các cành để bán với giá thấp hơn nhiều.

Nạn “quế tặc” này cũng diễn ra tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. Gia đình ông Thái Đình Triển ở bản Trung Sơn, xã Mường Nọc có hơn 1,5ha cây quế ở cánh rừng phía sau nhà. Đầu tháng 12, sau khi tiếp tục bị mất trộm thêm vỏ 30 cây quế, vợ chồng ông Triển đã làm một cánh cổng bằng sắt để rào chắn lại tuyến đường dẫn lên rừng nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Rừng quế của ông Triển có những cây gần 35 năm tuổi. Mỗi năm, thu hoạch đến đâu, ông Triển lại trồng mới đến đó. Vợ ông Triển, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào gia đình cũng bị mất trộm quế, có năm mất vỏ của hàng trăm cây.

“Lần gần nhất mới cách đây hơn 1 tuần, 4 người đàn ông đi hai xe máy lên bóc trộm ngay giữa ban ngày. Một hàng xóm chúng tôi vô tình quay được cảnh kẻ gian đi xe máy chở theo các bao tải quế đi, về nhưng vẫn không tìm được thủ phạm,” bà Hòa nói.

Những cây quế sau khi bị bóc vỏ trộm thì đều phải đốn hạ chặt bỏ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Lần bị trộm quế đó, kẻ gian đã bóc trộm hết 73 cây quế của gia đình bà và hai người hàng xóm; trong đó, 30 cây quế của bà Hòa đều đã hơn 20 năm tuổi, chuẩn bị được thu hoạch.

Huyện Quế Phong được xem là thủ phủ của cây quế. Phần lớn quế ở đây được trồng theo Chương trình dự án 327 về phủ xanh đất trống, đồi trọc. Có thời điểm, toàn huyện có hơn 3.000ha quế, song đến nay, chỉ còn khoảng 500ha.

Ở huyện miền núi này, cây quế là cây sinh kế chính của hàng trăm gia đình. Từ trồng quế mà các hộ dân mưu sinh, nuôi các con ăn học và làm giàu. Trong những năm gần đây, các hộ dân trồng quế không cần lo lắng về đầu ra, bởi giá quế rất cao. Cụ thể, giá quế thanh phơi khô hiện khoảng 50.000 đồng/kg, quế thanh nhỏ ngắn 33.000 đồng/kg, quế vụn là 23.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá quế ngày càng tăng cao kèm theo đó là nạn “quế tặc.” Trong 5 năm trở lại đây, nạn “quế tặc” càng gia tăng và các đối tượng hoạt động cả ban ngày. Kẻ gian không chỉ lên rừng quế, nơi vắng người qua lại để trộm, mà nhiều cây quế trồng trong vườn nhà, có bờ rào thép gai bảo vệ cũng bị lột sạch vỏ.

Nạn trộm quế không chỉ xảy ra ở Mường Nọc, Kim Sơn mà còn ở các xã như Thông Thụ, Hạnh Dịch, Châu Kim… Trước đây, sau khi phát hiện bị mất trộm, các hộ dân trồng quế trình báo ngay với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chưa một lần họ bắt được kẻ trộm quế.

Theo nhiều người dân, dù giá quế cao, lại không lo đầu ra nhưng họ vẫn không mặn mà trồng mới thêm quế vì nạn “quế tặc” lộng hành.

Trước thực trạng trên, ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong cho biết lãnh đạo huyện đã nắm được thông tin về tình trạng này. “Chúng tôi đã làm việc với thị trấn Kim Sơn, đồng thời chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc điều tra làm rõ, sớm ngăn chặn nạn “quế tặc” trên địa bàn,” ông Vũ khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục