Hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra từ mùng 9/1 đến 12/1 Âm lịch. Lễ hội năm nào cũng thu hút đông đảo dân làng và du khách thập phương tới tham dự.
Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” từ xưa đến nay luôn là tâm điểm cho các du khách đến xem. Những chàng trai sẽ đóng giả gái, tô son đánh phấn và múa những điệu lả lơi cuốn hút người xem. Đây là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng, đó là con trai gốc của làng Triều Khúc, mặt mũi khôi ngô, biểu diễn uyển chuyển, nhất là đôi mắt khi diễn phải nhìn đong đưa, trìu mến với bạn diễn cùng.
“Con đĩ đánh bồng” là tiết mục diễn xướng mang hình thức nghệ thuật dân gian. Điệu múa này nhằm mục đích phục vụ cho việc tế lễ Thánh làng Triều Khúc (Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương) mỗi năm hai lần là tháng Giêng và tháng Tám Âm lịch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điểm đặc biệt của điệu múa này là những chàng trai đóng giả gái, tô son đánh phấn và múa những điệu lả lơi cuốn hút người xem. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tất cả nam thanh niên trưđều được mặc váy yếm đào, đeo khăn mỏ quạ. Phía trước bụng mỗi người đeo một cái trống dài gọi là trống bồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để có những điệu múa đẹp, các chàng trai phải trang điểm, mặc áo mớ ba mớ bảy nhảy múa nhịp nhàng, dáng đi yểu điệu, đôi mắt đong đưa người bạn diễn cùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước giờ diễn, các chàng trai múa bồng phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị khăn, áo và trang điểm cho nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trần Mạnh Quỳnh, một thành viên trong đội múa bồng cho biết, anh và các bạn diễn của mình vốn đã quen với trang điểm từ bé nên không mấy khó khăn trong việc này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong lúc diễn ra tế lễ, khoảng 6-8 người người con trai chia ra các cặp đóng giả làm đàn bà con gái đi theo “ve vãn” chung quanh những người khiêng kiệu và nhảy múa vào trong đình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo các bậc cao niên trong làng Triều Khúc thì điệu múa “Con đĩ đánh bồng” chẳng biết có từ bao giờ nhưng chắc chắn không dưới 1000 năm và đây là một trong những điệu múa cổ nhất Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo truyền thuyết thì Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi thắng giặc Đường đã nghĩ ra và sai nam giả nữ múa nhằm khích lệ và động viên quân sĩ, đến bây giờ gọi là “Con đĩ đánh bồng”. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những nghệ nhân làng Triều Khúc còn cho biết, điệu múa phải kết hợp làm sao cho nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và tế lễ. Khi bên trong dâng tiễn rượu thì bên ngoài múa bồng, cứ ba tuần rượu là ba lần múa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các chàng trai đóng giả nữ nên trong điệu múa phải có tính nữ. Chính vì thế múa bồng là múa lẳng lơ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lúc biểu diễn, các chàng trai vừa dùng hai tay đánh vào hai bên trống vừa nhảy múa uốn éo, bông đùa nhằm gây tiếng cười thoải mái cho người đến xem. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Triều Khúc là một trong số ít địa phương còn lưu giữ nguyên vẹn loại hình nghệ thuật múa bồng độc đáo này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đôi mắt đong đưa, trìu mến với bạn diễn cùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có thể nói, điệu múa này là một “đặc sản” ngày Xuân của vùng đất Kinh kỳ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điệu múa để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, hướng giới trẻ tới lịch sử dân tộc, gìn giữ văn hóa đẹp của cha ông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)