Ngày 5/4, tại trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Ngày Việt Nam với chủ đề “Thanh niên thế kỷ 21" đã diễn ra.
Hoạt động được tổ chức lần thứ tư này đã thu hút đông đảo người qua chương trình giới thiệu văn hóa và ẩm thực đậm đà, đặc sắc.
Phát biểu trước các sinh viên Việt Nam học, sinh viên Việt Nam, các thầy cô giáo và các nhà Việt Nam học, đại diện Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm ASEAN thuộc MGIMO, phụ trách sinh viên ngoại quốc và các các chương trình quốc tế, ông Egor Andreev - đại diện cho lãnh đạo trường - khẳng định Ngày Việt Nam đã trở thành sân chơi ngày càng có nội dung hữu ích và thiết thực từ góc độ thực hành đối với sinh viên học tiếng Việt, học văn hóa Việt Nam, cũng như từ góc độ mở rộng giao lưu giữa thanh niên hai nước Việt-Nga, tiếp xúc với cộng đồng khoa học.
Ông Andreev nhắc lại trong hơn 60 năm qua, 327 sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp MGIMO và không ít trong số đó nay đã trở thành các lãnh đạo cấp cao, các đại sứ, các nhân viên ngoại giao có uy tín của Việt Nam.
Các nhà ngoại giao tương lai của Liên bang Nga cũng có cơ hội được thực tập tại các trường đại học Việt Nam và đây chính là đóng góp không nhỏ cho công tác đào tạo nhân lực, chuẩn bị cho các mối quan hệ chính trị, văn hóa, kinh tế... giữa Nga và Việt Nam.
[Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga phát triển bền vững]
Về phần mình, đại diện Đại sứ quán, phụ trách công tác lưu học sinh, bà Nguyễn Thị Kim Thu chỉ ra rằng mối quan hệ quốc tế luôn được xây dựng bắt đầu từ thế hệ trẻ vì vậy chủ đề của Ngày Việt Nam 2018 cũng của như của Hội thảo bàn tròn rất nóng hổi và mang ý nghĩa thiết thực.
Theo bà, cùng với tình hữu nghị, Ngày Việt Nam còn vun đắp quan niệm về sự khoan dung và tình yêu, sự tôn trọng văn hóa, những giá trị rất quan trọng trong thế giới hiện đại ngày nay.
Trong khuôn khổ Ngày Việt Nam năm nay, Hội thảo bàn tròn “Vai trò và năng lực của thanh niên trong củng cố quan hệ Nga-Việt Nam" cũng được tổ chức.
Các nhà Việt Nam học lão thành cùng với các sinh viên năm cuối, cao học đã cùng chia sẻ và tranh luận sôi nổi về những đề tài thời sự như thách thức toàn cầu đối với thanh niên Việt Nam và hợp tác Nga-Việt, vai trò của thanh niên trong cuộc cách mạng 4.0 tại Nga và Việt Nam...
Sinh viên năm thứ ba Gheorghi Ivanov coi đây là kinh nghiệm đầu tiên được tiếp xúc, trao đổi ngang hàng với các chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp tương lai của mình, giúp những sinh viên học tiếng Việt có thể kiểm chứng được trình độ và hiểu biết được tích lũy trong cả năm.
Cô giáo Svetlana Glazunova cho biết cô dạy tiếng Việt nên những “giáo cụ trực quan” về nền văn hóa phương Đông - những vật lưu niệm, đồ thủ công, món ăn, điệu múa, bài hát được trưng bày, trình diễn tại Ngày Việt Nam - giúp cô rất nhiều trong truyền đạt kiến thức, trong khơi gợi ở sinh viên niềm hứng khởi học tập, tìm hiểu về đất nước mà mình nghiên cứu ngôn ngữ./.