​'Ngày Việt Nam' tại các trung tâm đào tạo Việt Nam học ở LB Nga

Điểm đặc biệt của năm nay là lần đầu tiên “Ngày Việt Nam” vươn ra ngoài khuôn khổ MGIMO và diễn ra tại 2 trường đại học hàng đầu đào tạo các nhà Việt Nam học là SPbSU và MGIMO.
Toàn cảnh Hội thảo ở Moskva ngày 29/4. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Trong các ngày 25 và 29/4, tại Viện Hồ Chí Minh trực thuộc Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg (SPbSU) và Đại học Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva (MGIMO) đã diễn ra sự kiện “Những ngày Việt Nam” nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. 

Chuỗi sự kiện này gồm hội thảo khoa học về Việt Nam diễn ra tại SPbSU; Hội nghị khoa học “Việt Nam trước những thách thức của thế kỷ 21: Nhận thức mới về quan hệ Việt-Nga,” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả kỳ cựu của Nga; Đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Bộ Phát triển Kinh tế Nga, các viện nghiên cứu, cũng như đông đảo các sinh viên, nghiên cứu sinh Nga nghiên cứu về Việt Nam tại các trung tâm Việt Nam học có tiếng như SPbSU, MGIMO, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), Đại học tổng hợp Nga Hữu nghị giữa các dân tộc (RUDN), Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), cũng như các sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại MGIMO. 

Nếu cuộc hội thảo khoa học về Việt Nam diễn ra tại Viện Hồ Chí Minh của SPbSU gồm 15 báo cáo của các sinh viên, nghiên cứu sinh Nga trẻ nghiên cứu về Việt Nam, bao quát các thời kỳ phát triển trong lịch sử Việt Nam, cũng như đề cập đến các bản sắc văn hóa của Việt Nam thì Hội nghị khoa học “Việt Nam trước những thách thức của thế kỷ 21: Nhận thức mới về quan hệ Việt-Nga” đề cập một cách toàn diện tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, những triển vọng và hạn chế trong nỗ lực tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam đang có vị thế tốt để hợp tác với Nga, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng như phù hợp với định hướng xoay trục sang phương Đông của Liên bang Nga. Tuy nhiên mối quan hệ hợp tác cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay.

Bà Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư bộ môn Đông phương học, Giám đốc Trung tâm ASEAN của MGIMO, đơn vị tổ chức sự kiện, cho biết năm nay đã là “Những Ngày Việt Nam” thường niên lần thứ 7 với số lượng người tham gia đông đảo hơn rất nhiều. Từ con số ban đầu khoảng 10-20 người tham gia thì năm nay đã có hơn 150 người đăng ký tham gia sự kiện.

[Giao lưu giữa các sinh viên học tiếng Việt tại Liên bang Nga]

Bà đánh giá: “Trên thực tế, Ngày Việt Nam tự nó đã là biểu tượng và là hiện thân thực sự của hợp tác Nga-Việt.” Điểm đặc biệt của năm nay là lần đầu tiên “Ngày Việt Nam” vươn ra ngoài khuôn khổ MGIMO và diễn ra tại 2 trường đại học hàng đầu đào tạo các nhà Việt Nam học là SPbSU và MGIMO.

Quầy hàng bán sản phẩm Việt Nam của các bạn sinh viên. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Bà Koldunova khẳng định sự quan tâm tới sự kiện này cho thấy Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga và trong bối cảnh thực tế quốc tế đang thay đổi, đương nhiên, mối quan tâm này càng thể hiện rõ hơn nữa.

Em Nadezhda Kolotova, sinh viên năm thứ nhất hệ thạc sỹ Khoa Phương Đông SPbSU, nhận xét sự kiện lần này là cơ hội để các sinh viên nghiên cứu về Việt Nam của hai thành phố Moskva và St. Petersburg giao lưu với nhau vì “trước đây các nhà Việt Nam học trẻ chưa bao giờ được giao lưu cùng với nhau thậm chí chúng tôi chưa được gặp để làm quen với nhau.”

Nadezhda cũng cho rằng Nga và Việt Nam có thể hợp tác tích cực trong lĩnh vực số hóa vì Nga có rất nhiều chuyên viên IT lành nghề, đồng thời bày tỏ hy vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Cũng như các năm trước, chương trình năm nay còn gồm các hoạt động văn hóa do hội sinh viên Việt Nam tại MGIMO tổ chức như Hội chợ quảng bá sản phẩm của Việt Nam và chương trình ca múa nhạc đặc sắc do các sinh viên thể hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục