Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe: Vì một Việt Nam khỏe mạnh

Việt Nam được thế giới đánh giá cao khi khống chế thành công dịch COVID-19, trong đó việc thường xuyên thực hành rửa tay với xà phòng và nước sạch là một trong những biện pháp quan trọng phòng dịch.
Học sinh Trường mầm non Ỷ La, thành phố Tuyên Quang rửa tay bằng xà phòng trước khi vào lớp. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Học sinh Trường mầm non Ỷ La, thành phố Tuyên Quang rửa tay bằng xà phòng trước khi vào lớp. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

"Vệ sinh sạch-Môi trường xanh-Vì một Việt Nam khỏe mạnh" là chủ đề của lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Ngày Môi trường thế giới năm 2020, diễn ra tại Hưng Yên sáng 1/7.

Buổi lễ do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức.

Tới dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch phát triển bền vững và truyền thông đối ngoại Quỹ Unilever Việt Nam Đỗ Thái Vương; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng 600 đại biểu các tầng lớp nhân dân địa phương.

Ngày 2/7 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ lấy làm Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân theo Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tại buổi míttinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trong việc chủ động phòng, chống các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Vệ sinh yêu nước" phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, hàng năm Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo các đơn vị ngành Y tế và các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phong trào đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể; sự hưởng ứng tích cực của người dân góp phần ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn về tăng trưởng trong việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, sức khỏe người dân không ngừng được nâng cao.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định, trong thời gian qua Việt Nam là nước khống chế thành công, hiệu quả dịch COVID-19, được thế giới đánh giá cao, trong đó việc thường xuyên thực hành rửa tay với xà phòng và nước sạch là một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh.

[Những bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ khi nguồn nước bị ô nhiễm]

Bên cạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, việc bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sức khỏe con người và phát triển bền vững. Vì vậy, ngành Y tế đã luôn đồng hành với ngành Môi trường trong việc huy động cộng đồng và cán bộ ngành Y tế tham gia bảo vệ môi trường.

Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế và tích cực triển khai thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe: Vì một Việt Nam khỏe mạnh ảnh 1Công nhân Nhà máy luyện thép - Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên rửa tay trước khi vào nhà ăn ca tự chọn. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước xu hướng toàn cầu hóa cũng như thực trạng đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu làm cho công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch và giám sát chất lượng nước sạch còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả và bền vững.

Về phía tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh phòng bệnh, Hưng Yên đã tích cực triển khai sâu rộng nhiều phong trào vệ sinh từ rất sớm như "Ba sạch ba diệt," "Ăn sạch, ở sạch," "Sạch làng sạch ngõ," "Xây dựng ba công trình vệ sinh ở các hộ gia đình."

Đến nay tỉnh đã có 73,6% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 75% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó 45% dùng nước sạch; 3 huyện và 1 thành phố đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, tất cả 145 xã đã đạt nông thôn mới.

Môi trường làng xã đã được cải thiện, tổ chức các tổ vệ sinh thu gom rác thải. Tỷ lệ bệnh tật đã giảm rõ rệt như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm.

Tỉnh Hưng Yên cũng đã thực hiện nghiêm các chỉ thị của Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch phát triển bền vững và truyền thông đối ngoại Quỹ Unilever Việt Nam cho hay, là một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình, các sản phẩm thực phẩm, Unilever Việt Nam đã đồng hành và là đối tác chiến lược của Bộ Y tế trong những chương trình nâng cao điều kiện vệ sinh, sức khỏe nhân dân trong hơn 10 năm qua.

Khi cả nước cùng nỗ lực chống dịch COVID-19, Unilever đã nhanh chóng phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện chương trình "Vững vàng Việt Nam," vừa hỗ trợ sản phẩm phòng chống dịch, vừa xây dựng chương trình truyền thông giáo dục nhằm nâng cao ý thức và thói quen vệ sinh, đặc biệt là thói quen rửa tay với xà phòng và nước sạch nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao bằng khen và kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các tổ chức và cá nhân của Unilever Việt Nam và Đông Tây Hội Ngộ vì đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho các hoạt động cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh, triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước tại Việt Nam trong những năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục