Ngày Trồng rừng ngập mặn ASEAN tại công viên Angke Kapuk

Ban Thư ký ASEAN đã phối hợp với phái đoàn thường trực Philippines tại ASEAN tổ chức Ngày Trồng rừng ngập mặn tại Công viên Du lịch sinh thái Angke Kapuk, Nam Jakarta, Indonesia.
Ngày Trồng rừng ngập mặn ASEAN tại công viên Angke Kapuk ảnh 1Các đại biểu tham gia trồng cây tại rừng ngập mặn Nam Jakarta, Indonesia. (Ảnh Đỗ Quyên/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/11, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phối hợp với phái đoàn thường trực Philippines tại ASEAN tổ chức Ngày Trồng rừng ngập mặn tại Công viên Du lịch sinh thái Angke Kapuk, Nam Jakarta, Indonesia.

Tham gia sự kiện có đại diện tất cả phái đoàn thường trực các quốc gia thành viên ASEAN, các quốc gia Đông Bắc Á cũng như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN và các tình nguyện viên nhằm góp phần cùng nhau hợp tác trong bảo vệ môi trường.

Ngày Trồng rừng ngập mặn được tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967-1017), đồng thời tái khẳng định cam kết của các nước khu vực đối với chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu, thông qua bảo vệ, bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hilman Nugroho - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và rừng thuộc Bộ Môi trường và lâm nghiệp Indonesia, ông Vongthep Arthakaivalvatee - Phó Tổng Thư ký ASEAN, và bà Elizabeth P. Buensuceso - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Philippines tại ASEAN, nhấn mạnh ý nghĩa của rừng ngập mặn nằm trong mối tương tác giữa đất liền và biển.

Đây là môi sinh quan trọng và quý giá về khả năng thích nghi với các loài thực vật chịu mặn, các loài hải sản, chim nước, chim di cư, khỉ, lợn rừng, kỳ đà, trăn, chồn…

Ngày Trồng rừng ngập mặn ASEAN tại công viên Angke Kapuk ảnh 2Các đại biểu tham gia trồng cây tại rừng ngập mặn Nam Jakarta, Indonesia. (Ảnh Đỗ Quyên/Vietnam+)

Khu vực ASEAN là nơi có rừng ngập mặn lớn nhất, chiếm 1/3 (khoảng 51.050km2) tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới, riêng Indonesia chiếm hơn 20% tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới. Những loài quan trọng có thể tìm thấy ở đồng bằng Ayeyarwady ở Myanmar, sông Mekong ở Việt Nam và bờ biển đồng bằng rộng lớn dọc theo miền nam Papua ở Indonesia.

Rừng ngập mặn trong khu vực cũng có 51 loài cây ngập mặn, chiếm 71% tổng số loài cây ngập mặn trên toàn thế giới và như vậy, khu vực này trở thành trung tâm toàn cầu về sự đa dạng của rừng ngập mặn. Việc bảo vệ rừng ngập mặn cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ sinh kế cho con người, chống lại thiên tai, giảm xói lở và bảo vệ đất, giảm ô nhiễm, ​giảm tác động của biến đổi khí hậu… và phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN.

Hoạt động trồng rừng ngập mặn đã góp phần giúp các quốc gia ASEAN ngày càng gắn bó, đoàn kết trong chương trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Ngày Trồng rừng ngập mặn ASEAN tại công viên Angke Kapuk ảnh 3Các đại biểu tham gia trồng cây tại rừng ngập mặn Nam Jakarta, Indonesia. (Ảnh Đỗ Quyên/Vietnam+)

Phát biểu sau khi tham gia trồng cây, ông Vongthep Arthakaivalvatee nhấn mạnh sự kiện này cũng góp phần cổ vũ, thúc đẩy nhiều nước có các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường ven biển, đồng thời phát đi một thông điệp có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ về sự đoàn kết và cùng nhau nói lên tiếng nói bảo vệ môi trường.

Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, ông Suresh K.Reddy đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này đối với hợp tác bảo vệ môi trường và sự đoàn kết giữa các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục