Thông qua việc tập trung vào vấn đề sức khoẻ tâm thần của trẻ em, UNICEF và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội muốn thể hiện sự tin tưởng rằng ngày trẻ em thế giới là thời điểm quan trọng để tập trung vào kiến tạo một thế giới hiểu biết hơn, chấp nhận hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ em.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ kỷ niệm ngày trẻ em thế giới do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.
Ngày trẻ em thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 20/11 hằng năm nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em, hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Trong suốt nhiều năm qua, ngày trẻ em thế giới là một ngày vui, mang đến các thông điệp ý nghĩa và là thời điểm UNICEF đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của trẻ em, tôn vinh những tiến bộ, tăng cường sự quyết tâm cho các nhà lãnh đạo và tiếp tục giải quyết những việc cần thiết. Đây cũng là thời điểm trẻ em trên toàn thế giới đoàn kết và cất lên tiếng nói của mình.
Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Trong hai năm vừa qua, tác động của đại dịch được thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về Quyền trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau.”
[UNICEF đánh giá cao Việt Nam ưu tiên chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19]
Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng. Trong ngày trẻ em thế giới, UNICEF kêu gọi cần đầu tư và hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng đại dịch COVID-19 không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất hy vọng, mất niềm tin và đánh mất ước mơ của thế hệ trẻ em đang trải qua đại dịch này.
“Đại dịch đã cho thấy rõ ràng những lĩnh vực chưa được giải quyết triệt để như bạo lực, tiếp cận kỹ thuật số hoặc lao động trẻ em. Đại dịch cũng nêu bật sự bất ổn ở thế giới bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thế giới bên trong chúng ta. Rõ ràng rằng sức khỏe tốt không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tâm thần. Trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, bị mất đi những thói quen hàng ngày và phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên,” bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em (vào ngày 20/2/1990). Trải qua hơn 30 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước về Quyền trẻ em, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật Trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, các chương trình, đề án phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc toàn diện trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chỉ đạo triển khai trên toàn quốc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch COVID-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững.
Tại lễ kỷ niệm, UNICEF và Tiktok đã công bố một thử thách trên Tiktok. Lấy ý tưởng "ngắt kết nối để kết nối lại," thách thức trên Tiktok khuyến khích trẻ em rời xa các thiết bị kỹ thuật số, dành thời gian với gia đình, bạn bè và có những trải nghiệm tại thế giới thực./.