Ngày tôn vinh Tiếng Việt: Sợi dây kết nối, khẳng định bản sắc người Việt tại Anh

Các khóa học tiếng Việt nằm trong nỗ lực của các tổ chức cộng đồng tại Anh nhằm gìn giữ cội nguồn và bản sắc Việt thông qua việc lan tỏa tiếng Việt, đặc biệt là các thế hệ sinh ra và lớn lên tại Anh.

Lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt của Hội người Việt tại Anh (VAUK) khai giảng ngày 8/9 thu hút đông đảo học viên. (Ảnh: TTXVN phát)
Lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt của Hội người Việt tại Anh (VAUK) khai giảng ngày 8/9 thu hút đông đảo học viên. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 8/9 đã diễn ra lễ khai giảng hai khóa học tiếng Việt trực tuyến của Hội người Việt tại Anh (VAUK) và Trường Việt ngữ VietSchool London thuộc tổ chức Gia đình Việt (VFP), thu hút đông đảo học sinh là trẻ em sinh ra và lớn lên tại Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các khóa học này nằm trong nỗ lực của các tổ chức cộng đồng tại Anh nhằm gìn giữ cội nguồn và bản sắc Việt thông qua việc lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào, đặc biệt là các thế hệ sinh ra và lớn lên tại Anh.

Với gần 20 năm dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào, Trường Việt ngữ VietSchool London là một trong những tổ chức dạy tiếng Việt lâu năm ở London. Trực thuộc Gia đình Việt (VFP), một tổ chức từ thiện nhằm kết nối và phát triển cộng đồng người Việt tại Anh, VietSchool tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tiếp cho người lớn và trẻ em và bắt đầu chuyển sang dạy trực tuyến sau dịch COVID-19 vào năm 2019.

Với đội ngũ giáo viên người Việt sống tại Anh có bằng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt tại Việt Nam, mỗi năm VietSchool đào tạo khoảng hơn 100 học viên, phần lớn là trẻ em Việt sinh tại Anh. Hiện nay, trường tổ chức 12 lớp học 3 ngày/tuần cho 130 học viên.

Bà Quỳnh Giao Nguyễn, Sáng lập và Giám đốc điều hành VFP, người có hơn 20 năm dạy tiếng Việt và làm công tác cộng đồng tại Anh, chia sẻ việc mở trường dạy tiếng Việt vào năm 2006 ban đầu xuất phát từ nhu cầu của gia đình khi bà mong muốn giữ gìn nguồn gốc cho các con.

Tuy nhiên, bà ngày càng nhận thấy đây là nhu cầu thiết yếu đối với các gia đình Việt sống xa xứ trong việc kết nối các thế hệ, đồng thời là nhân tố quan trọng hình thành bản sắc và xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh ở Anh.

Với nhận thức này, bà Quỳnh Giao quyết tâm theo đuổi việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt tại Anh, chọn cách tiếp cận xây dựng bản sắc Việt thông qua tiếng mẹ đẻ trong khi đảm bảo tính phù hợp với môi trường sở tại - yếu tố quan trọng để thu hút các thế hệ thứ hai, thứ ba đến với tiếng Việt, đồng thời tạo nền tảng cho các em trên con đường sự nghiệp và quá trình hòa nhập ở sở tại.

Cho đến nay, VietSchool London đã đào tạo hàng trăm học viên, trong số đó nhiều người học tại trường khi còn là những đứa trẻ đã trở lại trường, tình nguyện cùng VFP làm công tác phục vụ cộng đồng, điều mà nhà sáng lập VFP rất tâm đắc.

ttxvn_tieng_viet_3_resize.jpg
Cách thực hành tiếng Việt sinh động thông qua trò chơi tìm hiểu Tết Nguyên Đán tại Lớp học tiếng Việt trực tuyến của Trung tâm tiếng Việt EV360. (Ảnh: TTXVN phát)

Về phía Hội người Việt tại Anh (VAUK), nhu cầu học tiếng Việt và sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng chính là động lực để Hội phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) và trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho con em kiều bào.

Khởi động vào tháng Sáu, chương trình dạy tiếng Việt trực tuyến miễn phí của VAUK đến nay thu hút được 350 học viên, trở thành 1 trong những chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài có đông học viên tham gia nhất.

Chương trình kéo dài gần 2 năm, gồm 17 lớp học với đội ngũ giảng viên thuộc trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội giảng dạy miễn phí. Cuối khoá học, học viên được cấp chứng nhận của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà nội.

Chương trình cũng bao gồm các trại hè thường niên nhằm cung cấp các trải nghiệm tiếng Việt và văn hoá Việt Nam tại quê hương cho các thế hệ người Việt trẻ xa xứ.

Bà Nguyễn Minh Tuyến, Tổng thư ký Hội người Việt tại Anh (VAUK), chia sẻ cảm thấy vinh dự và tự hào khi nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn từ cộng đồng cho chương trình, coi đó là nguồn động viên để Hội tiếp tục thực hiện các hoạt động có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Việt, trong đó tiếng Việt đóng vai trò rất quan trọng.

Trong khi đó, EV360online, trung tâm dạy tiếng Việt trực tuyến cho trẻ em tại Anh và châu Âu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vì lợi ích cộng đồng, chọn phương pháp truyền cảm hứng để mang tình yêu tiếng mẹ đẻ đến với trẻ em Việt sinh ở nước ngoài.

ttxvn_tieng_viet_1_resize.jpg
Học làm đèn lồng tại Lễ hội Trung thu, hoạt động do Tổ chức Gia đình Việt (VFP) tổ chức nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tới các em nhỏ Việt sinh ra tại Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

Bà Vũ Ngọc Phương, Giám đốc điều hành EV360, cho biết Trung tâm thiết kế các lớp học quy mô nhỏ từ 4-6 học sinh, sử dụng các hình thức thực hành sinh động như trò chơi ngôn ngữ, đọc thơ, kể chuyện, viết thư, làm bưu thiếp nhằm tạo hứng thú và giúp học sinh nói tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên. Đến nay EV360online đã dạy tiếng Việt cho khoảng 300 trẻ em từ 4-17 tuổi tại Anh, Pháp, và một số nước châu Âu khác.

Không chỉ dạy tiếng Việt, các tổ chức cộng đồng tại Anh cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đa dạng, như lớp học văn hóa Việt, hội thảo dịch thơ, Tết Nguyên đán, Lễ hội Rằm Trung Thu, thi và biểu diễn nghệ thuật, làm thơ bằng tiếng Việt… giúp tạo cơ hội thực hành nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ trong các thế hệ người Việt sinh ra tại Anh.

Trong cộng đồng hơn 120.000 kiều bào với các thế hệ thứ hai thứ ba sinh ra tại Anh ngày càng phát triển, việc gìn giữ tiếng Việt ngày càng trở nên ý nghĩa bởi đây không chỉ là sợi dây kết nối các thế hệ gia đình người Việt mà là yếu tố then chốt giúp đoàn kết, khẳng định bản sắc và hình ảnh của cộng đồng người Việt tại Anh.

Như bà Quỳnh Giao chia sẻ: “Tôi biết ơn tiếng Việt bởi đã mang lại cơ hội để người Việt tại Anh đoàn kết, gắn bó. Tiếng Việt không đơn thuần là một ngôn ngữ mà đã trở thành phương tiện chuyển tải văn hóa, khẳng định bản sắc người Việt ở nước ngoài”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục