Ngày tôn vinh Tiếng Việt 8/9: Nhịp cầu thân thương giữa hai nước Việt Nam-Lào

Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cầu nối giữa hai đất nước, hai nền văn hóa để lan tỏa, trao truyền các giá trị văn hóa nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan vĩ đại giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Phan Minh Chiến trả lời phóng viên TTXVN tại Lào về ý nghĩa cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Phan Minh Chiến trả lời phóng viên TTXVN tại Lào về ý nghĩa cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Việt Nam-Lào núi sông liền một dải, hai dân tộc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, nhất là truyền thống giàu lòng nhân ái, bao dung.

Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cầu nối giữa hai đất nước, hai nền văn hóa để lan tỏa, trao truyền các giá trị văn hóa nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan vĩ đại giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024, vượt qua rất nhiều thí sinh ở khắp năm châu, chị Lanny Phetnion, giảng viên đại học người Lào đã trở thành người nước ngoài đầu tiên xuất sắc lọt vào danh sách 5 thí sinh đạt giải Sứ giả tiếng Việt.

Chị Lanny sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Huaphanh, Bắc Lào. Năm lớp 12, nhờ đạt giải Nhì trong cuộc thi học sinh giỏi của huyện, chị được chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho học bổng đi học tiếng Việt ở Đại học Quốc gia Lào.

Khi nhận được học bổng, chị cảm thấy rất vui và hào hứng vì được đi học ở thủ đô, nhưng cũng không khỏi băn khoăn khi người thân và gia đình đều thắc mắc việc chị đăng ký học chuyên ngành tiếng Việt trong khi có nhiều ngoại ngữ khác có cơ hội làm việc tốt hơn.

Dù điều kiện gia đình có nhiều khó khăn, bằng ý chí và sự quyết tâm, chị Lanny đã vượt qua những nỗi lo lắng để thuyết phục gia đình và sẵn sàng hành trình chinh phục tiếng Việt.

Những ngày đầu, chị cũng như những người khác trong lớp đều chưa biết gì về tiếng Việt, tất cả đều tất cả bắt đầu từ con số 0.

Đến năm thứ 4, lớp chị được tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Đại học Hà Nội, trong đó chị và các bạn đã được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt như múa, hát, thể dục-thể thao...

Chị cũng đã đạt giải Nhì trong phần thi hát tiếng Việt trong chương trình “Ngày hội giao lưu Văn hoá đa quốc gia.”

Chị Lanny cho biết đối với nhiều người, phần khó nhất của tiếng Việt là phát âm, còn đối với chị, ngữ pháp là phần khó nhất.

Sau 5 năm học, không biết tự bao giờ tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ và chị đã có thể tự tin giới thiệu với mọi người, với gia đình và bạn bè bằng tiếng Việt về đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam.

Chị Lanny khẳng định mình đã chọn học đúng ngành và cảm thấy không hề tiếc nuối. Hơn thế nữa, chị còn nghĩ rằng bản thân là một người may mắn vì Lào và Việt Nam là 2 nước có mối quan hệ vĩ đại, hợp tác toàn diện nên cơ hội làm việc sẽ có rất nhiều, miễn là học tốt.

Chị Lanny nói: “Tôi muốn nâng cao thêm về tiếng Việt của mình và muốn góp sức vào việc giảng dạy tiếng Việt cho người Lào cũng như góp phần vào tình đoàn kết, hữu nghị của 2 đất nước anh em.”

Không dừng lại ở những công việc trên, chị Lanny còn lập kênh Tiktok, Youtube... để chia sẻ, giới thiệu về những cách học tiếng Việt, tiếng Lào một cách thuận lợi và dễ tiếp thu nhất. Chị cũng đã tự tay biên soạn những cuốn sách học tiếng Việt và tiếng Lào có nhiều cấp độ từ dễ đến nâng cao.

Chị Lanny bày tỏ tất cả những gì chị đã và đang làm đều với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam mãi vững bền.

Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động hướng đến đối tượng là các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu tiếng Việt, có hoạt động, sáng kiến hiệu quả trong dạy học và lan tỏa tiếng Việt.

Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm.

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, theo đó ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt.

Ngày này trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, các phong trào về tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng lan tỏa và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Vientiane, ông Phan Minh Chiến, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam, cho biết cuộc thi hướng đến đối tượng là các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu tiếng Việt, có hoạt động, sáng kiến hiệu quả trong dạy học và lan tỏa tiếng Việt… với mong muốn những “Sứ giả” này sẽ là những người truyền cảm hứng, có nhiệm vụ quảng bá văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, tạo động lực học tập, làm cho tiếng Việt ngày càng được phổ biến.

Lào là quốc gia có quan hệ truyền thống hữu nghị vĩ đại đặc biệt với Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại nước này tương đối đông với khoảng hơn 100.000 người phân bổ ở 18 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó khoảng 40.000 người ở thủ đô Vientiane.

Hiện nay, tiếng Việt đang được phổ biến và dạy trong nhiều trường học của Lào, trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào, cũng như các lớp ngắn hạn trong các cơ quan, chính quyền của quốc gia trên.

Ngoài ra, có rất nhiều du học sinh người Lào sang Việt Nam học tập, nghiên cứu và có nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập tại Lào.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng được mở rộng và hợp tác toàn diện, ngôn ngữ Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu về hợp tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ngày một tăng cao.

Ông Phan Minh Chiến cho biết thêm trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng được mở rộng và hợp tác toàn diện, ngôn ngữ Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu về hợp tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ngày một tăng cao. Vì vậy, việc thí sinh người Lào đoạt giải Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024 cho thấy tiếng Việt luôn được quan tâm, phát triển, quảng bá tại Lào và góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt hai nước Lào-Việt Nam.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam hy vọng rằng từ sự kiện thí sinh người Lào đoạt giải sứ giả tiếng Việt này cùng với sự nỗ lực của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào sẽ tạo sự lan tỏa và phong trào tiếng Việt trong các cơ quan trường học của Lào sẽ tiếp tục được mở rộng, thu hút thêm nhiều hơn nữa các cán bộ, sinh viên học sinh Lào tham gia học tiếng Việt.

Thông qua các giờ học, họ sẽ hiểu sâu sắc hơn về đất nước văn hóa và con người Việt Nam cũng như mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, qua đó cũng sẽ góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

ttxvn_lao.jpg
Ngày 20/8, tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet phối hợp với Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet tổ chức Cuộc thi vòng Chung kết Em yêu tiếng Việt cho các học sinh Lào và Việt Nam tại tỉnh Savannakhet. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở Lào đẩy mạnh triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Tôn vinh tiếng Việt, nhằm khuyến khích và lan tỏa phong trào dạy và học tiếng Việt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam tại Lào trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát triển tiếng Việt, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương.

Tiếng Việt, lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam vẫn đều đặn vang lên qua mỗi tiết giảng của cô giáo Lanny tại Khoa tiếng Việt, trường Đại học Quốc gia Lào hay tại Trung tâm ngôn ngữ Lào-Việt... sẽ là cầu nối và giúp gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp nghìn năm văn hiến của Việt Nam đến với nước Triệu Voi xinh đẹp, rộng hơn nữa là đến với những con người yêu tiếng Việt.

Và sau này, những học viên trong lớp học tiếng Việt này sẽ chính là những sứ giả của tình hữu nghị, giúp vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Lào trong sáng thủy chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục