Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7: Những bước chân không mỏi của Đội quy tập 192

Vượt qua những cánh rừng bạt ngàn, đào bới từng tấc đất của hàng trăm bản làng nước bạn Lào và tìm kiếm khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, họ đã đưa 963 hài cốt liệt sỹ trở về quê hương.

Các chiến sỹ Đội quy tập 192 băng rừng, vượt suối trên đất bạn Lào để đưa đồng đội trở về quê hương. (Ảnh: TTXVN phát)
Các chiến sỹ Đội quy tập 192 băng rừng, vượt suối trên đất bạn Lào để đưa đồng đội trở về quê hương. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhận nhiệm vụ đặc biệt đã tròn 32 năm nhưng chưa bao giờ bước chân của những chiến sỹ Đội quy tập 192 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế) mỏi mệt hay chùn bước.

Vượt qua những cánh rừng bạt ngàn, đào bới từng tấc đất của hàng trăm bản làng nước bạn Lào và tìm kiếm khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, họ đã đưa 963 hài cốt liệt sỹ trở về quê hương, xoa dịu nỗi đau của các gia đình liệt sỹ mỗi dịp tháng 7 về.

Xẻ dọc Trường Sơn tìm đồng đội

Năm xưa, biết bao chiến sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã "xẻ dọc" Trường Sơn đi cứu nước và phải nằm lại nơi xa vì cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày nay, những chiến sỹ thời bình Đội quy tập 192 tiếp tục "xẻ dọc" Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sỹ trở về. Đối với các anh, đây là hành trình thiêng liêng, đầy trọng trách và quyết tâm từ trái tim.

Nhớ về kỷ niệm tìm được đồng đội tại huyện Sà Muội, tỉnh Salavan vào năm 2020, Thiếu tá Lê Đình Tịnh (Đội quy tập 192) dùng từ “sung sướng” để diễn tả cảm xúc lúc ấy.

Anh Tịnh rành rọt kể: “Vào ngày 15/3, sau nhiều ngày tìm kiếm trong rừng sâu, chúng tôi đào thấy một quả bom dài khoảng 2m, đường kính 80cm. Xen lẫn sự lo sợ là niềm hy vọng mong mỏi, mọi người trấn an tinh thần nhau, giữ bình tĩnh rà tìm khớp bom và mở nó ra. Chúng tôi vỡ òa khi nhìn thấy bác (liệt sỹ) nằm trọn bên trong cùng những chiếc cúc áo, bát và gương, lược.”

Trước khi tham gia Đội quy tập 192, mỗi thành viên đảm nhận một vị trí chuyên môn riêng nhưng khi tình nguyện nhận nhiệm vụ của đội, tất cả đều cùng chung một ý chí: Hành trình tìm kiếm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mong muốn, khát khao được đưa các đồng đội đi trước về với đất Mẹ.

Thượng tá Nguyễn Như Hiếu, Đội trưởng Đội quy tập 192 cho hay, 40 thành viên của đội đều dưới 45 tuổi, có sức khỏe tốt và được huấn luyện bài bản về nghiệp vụ trước khi hành quân.

Đặc biệt, các đoàn quân tìm kiếm luôn luôn có sự hiện diện của những chiến sỹ dày dặn kinh nghiệm và thông thạo ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào nước bạn Lào. Có như vậy, bao nhiêu năm qua đội mới có thể vượt rừng thiêng nước độc đưa cha, anh trở về Tổ quốc.

Đi qua những con đường đất đỏ sỏi đá, trải qua những mưa nắng khắc nghiệt nơi xa, thượng tá Nguyễn Như Hiếu cùng Thiếu tá Bùi Khắc Trường (lái xe Đội quy tập 192) vẫn không thôi nhắc về thời gian sống cùng người dân Lào như một kỉ niệm đẹp trong hành trình tìm đồng đội.

Nhớ lời Bác Hồ dạy “tình cảm quân dân như cá với nước,” các chiến sỹ ta đã dân vận khéo, dựa vào người dân Lào để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Địa bàn tìm kiếm của Đội quy tập 192 trên đất nước Triệu Voi là hai tỉnh Sê Kông và Salavan. Điều kiện sống của đồng bào nơi đây còn nhiều thiếu thốn, chủ yếu dựa vào khả năng tự cung tự cấp, khó tiếp cận y tế và phong tục cổ hủ.

“Trước các mùa khô sang Lào, cả đội sẽ gom góp áo quần, thuốc men và lương thực để tặng cho người dân. Lực lượng quân y đi cùng thì tổ chức các đợt khám miễn phí cho bà con. Có những ngày, chúng tôi còn phải nhường cơm cho các em nhỏ, giúp dân lợp mái, ra đồng gặt lúa, dạy cấy. Những hành động ấy đã dần nhen nhóm, nuôi lớn tình cảm yêu mến của người dân Lào đối với bộ đội Việt Nam. Họ sẵn sàng nhường chăn chiếu, thức ăn khi chúng tôi cần; thậm chí, bỏ công sức và thời gian cùng chúng tôi đi tìm kiếm mộ liệt sỹ”-Thiếu tá Bùi Khắc Trường chia sẻ.

Vì điều kiện thời tiết, các đợt tìm kiếm trên đất nước Lào đều được triển khai vào mùa khô từ tháng 10 năm nay đến tháng 5 năm sau. Do đó, những người lính Việt Nam không chỉ đón Tết cổ truyền trong các lán trại của mình mà còn cùng người dân Lào đón Tết tại bản làng.

Những lúc này, điều kiện không cho phép các chiến sỹ có thể liên lạc, sum vầy bên gia đình nhưng nghĩ về nhiệm vụ thiêng liêng, các anh lại càng thêm kiên định ý chí, bám sát địa bàn kiếm tìm.

Hơn 30 năm qua, Đội quy tập 192 (gồm hai hướng tìm kiếm tại Lào và trong nước) đã đi qua 800 bản làng thuộc 2 tỉnh Salavan, Sekong (Lào) và tất cả địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các anh băng rừng xẻ núi, bới từng tấc đất để đưa 963 hài cốt liệt sỹ về an táng tại các nghĩa trang trong nước.

Mùa khô 2023-2024 (từ ngày 12/10/2023 - 19/5/2024), toàn đội đã khảo sát, tìm kiếm 67 thông tin và cất bốc, quy tập được 15 hài cốt liệt sỹ. Hầu hết các thông tin cung cấp đều nằm trong rừng sâu, các chiến sỹ phải mất 2-3 ngày hành quân bộ đến vị trí khai quật.

Mọi hoạt động tìm kiếm đều phải dựa vào sức người, phương tiện thô sơ. Vừa đi, các chiến sỹ vừa phải mở đường. Nhiều thông tin mộ liệt sỹ, Đội quy tập 192 đã tìm kiếm từ năm này sang năm khác, đào bới rộng 4-5 ha đồi, sâu 3-4m mới có thể tìm đúng nơi các liệt sỹ bị vùi lấp trong chiến tranh năm xưa.

Những bước chân bền bỉ

Những khó khăn vẫn luôn bủa vây, thử thách những chiến sỹ áo xanh Đội quy tập 192. Đã có những lúc các anh đối diện với nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng tất cả đều gan dạ đương đầu và vượt qua.

Trên hành trình thiêng liêng tìm kiếm đồng đội trở về của 40 thành viên đội, những kỉ niệm khó quên chẳng thể nào kể hết. Bởi ở mỗi chuyến đi, các anh luôn phải đối mặt với những bất lợi bất ngờ từ nguồn thông tin, thời tiết, địa hình…

Tham gia Đội đã 8 năm, thiếu tá Lê Văn Thành khắc sâu kỷ niệm lần tìm kiếm tại sân bay A So (huyện A Lưới) vào tháng 11/2014. Thiếu tá Lê Văn Thành nhớ lại, ngay khi hay tin có 3 mộ liệt sỹ, 5 thành viên của đội lập tức lên đường cùng một người dân (xã Hồng Trung, huyện A Lưới) dẫn đường.

Theo kế hoạch, chuyến đi kéo dài 3 ngày nên mọi người đã chuẩn bị lương thực mang đi vừa đủ cho 4 ngày. Tuy nhiên, khi đi được hai phần ba chặng đường, trời bắt đầu xế chiều, nước lũ dâng lên, buộc các anh phải dừng chân.

Dù đã quen với việc ứng phó với mưa lũ nhưng việc mưa không ngớt, suối lũ chia cắt suốt 10 ngày dài khiến các anh không khỏi lo lắng. Hành quân đường dài mất sức, các anh vẫn phải giảm bớt bữa ăn, chia gạo ra từng bữa nhỏ để cầm cự trong rừng.

Những bữa cơm với cá khô được thay thế dần bằng các bát cháo nấu măng hay hoa chuối. Thậm chí, khi hoa chuối không còn, các anh chặt lấy thân cây chuối, tìm lõi non để ăn tạm qua bữa.

Lúc lên đường trở về, mọi người như vỡ òa, thoát được cửa tử khi gặp được lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Thiếu tá Lê Đình Tịnh cũng từng đối mặt với hiểm nguy khi cùng đồng đội leo thác ở bản A Voan, huyện Sà Muội, tỉnh Salavan. Lúc rơi khỏi dây leo, anh may mắn bám kịp nhành cây leo để trèo lên. Những gian nan này không thể làm các anh chùn bước.

Ngược lại, chính vách đá cheo leo, mưa nắng khắc nghiệt và cả những bữa cơm kèm muối, rau rừng đã tôi luyện nên những bước chân rắn rỏi của người lính cụ Hồ cùng những trái tim rực lửa quyết tâm đưa người đã khuất về với đất mẹ.

Như “đội phản ứng nhanh,” dù ở bất cứ ở đâu, các anh luôn sẵn sàng quân trang lên đường khi có được thông tin về mộ liệt sỹ.

Tháng 7 hào hùng về, 10 chiến sỹ thuộc hướng tìm kiếm trong nước Đội quy tập 192 vẫn miệt mài tay xúc, tay đào tại thôn Trung Hồ, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền dưới cái nắng oi ả của vùng cát trắng xứ Huế.

Sau hai ngày vất vả nhưng không tìm được gì, các anh đành ngậm ngùi vùi đất lấp lại những hố sâu đã đào bới. Tuy không phải là lần đầu gặp kết quả như vậy nhưng đôi mắt các anh vẫn không thể giấu nổi nỗi buồn, thất vọng.

Thiếu tá Nguyễn Dư Phưởng, Phó đội trưởng Đội quy tập 192 lý giải, chiến tranh đã qua đi hằng chục năm khiến địa hình có nhiều thay đổi. Những người biết mộ các đồng chí cũng đã già yếu hoặc không còn.

Độ chính xác thông tin hài cốt không cao làm giảm hiệu quả tìm kiếm những năm gần đây. Song còn sức lực, các anh chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm, đưa các bác, các chú về với quê hương.

Kết thúc mùa khô 2023-2024, hướng tìm kiếm tại Lào trở về quê hương vẫn tận dụng thời gian để cùng người dân kiên cố nhà cửa trước mùa mưa bão và sơn sửa nhà ở cho các gia đình có công với cách mạng thay lời tri ân những người đã ngã xuống.

Ghi nhận những khó khăn mà tập thể Đội quy tập 192 đã vượt qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh-Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, kỷ luật nghiêm của các chiến sỹ.

Những dấu ấn sâu sắc của họ đã làm thắm đẹp thêm tình cảm quân - dân, quan hệ hữu nghị Việt-Lào. Chiến tranh tuy ở nơi xa, lùi sâu về quá khứ nhưng nỗi đau đến nay vẫn còn quặn thắt phía quê nhà.

Các chiến sỹ quân tình nguyện, chuyên gia đã không thể giữ trọn lời hứa bình an trở về ngày đất nước thống nhất. Thế nhưng hằng chục năm qua, những chiến sỹ Đội quy tập 192 đã thay các anh thực hiện lời hứa đó, đưa các anh trở về với quê hương-nơi các anh mang theo tinh thần, ý chí quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” hiến thân cho Bắc Nam sum họp một nhà.

Hành trình của các chiến sỹ thời bình không chỉ làm vơi đi nỗi đau mất mát của những người mẹ, người vợ, gia đình liệt sỹ mà còn nhân lên ý nghĩa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục