Ngày Thơ Việt Nam: Sự nở bừng của đóa hoa thơ trong ánh sáng, âm nhạc

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 đã diễn ra với nhiều sự cách tân. Thơ đã thăng hoa cùng nhiều loại hình nghệ thuật, để lại cảm xúc và dư âm tốt đẹp trong lòng người yêu thơ.
Ca khúc "Mùa Xuân đầu tiên" với sự thể hiện của tam ca nữ Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Ngay khi bước qua cánh cổng vào "cõi thơ" tại Hoàng thành Thăng Long tối 5/2, nhà thơ-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (tác giả tập thơ "Phù sa ký ức") đã cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng trước diện mạo mới của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21.

Đã nhiều năm tham dự ngày hội thơ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám nên điều mà nhà thơ nhận thấy rõ ràng nhất - đó là Ngày thơ Việt Nam năm nay đã có sự "lột xác" hoàn toàn, từ không gian tổ chức đến sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động, kéo "bạn văn, bạn thơ" cũng như công chúng cảm nhận được "hơi thở" của thơ, "thấm đẫm" trong từng lời thơ.

Thơ thăng hoa cùng nhạc, họa

Có mặt tại sự kiện từ buổi sáng đến Đêm thơ Nguyên tiêu, nhà thơ Nguyễn Thị Kim trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ niềm hân hoan khi gặp gỡ các bạn văn, bạn thơ đến sự tâm đắc khi lắng nghe những câu thơ hay được trình bày một cách sáng tạo hòa quyện cùng nhạc, họa và công nghệ trình chiếu ánh sáng.

“Đêm nghệ thuật Nguyên tiêu vô cùng đẹp và lung linh với ánh sáng, hội họa và âm thanh. Chúng tôi đắm mình trong không khí thơ ca, được gặp gỡ các nhà thơ từ trẻ đến già, được nghe lại những vần thơ hay từ thơ cũ đến thơ mới, từ giai đoạn kháng chiến đến thời hiện đại. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe nhà thơ Hữu Thỉnh đọc thơ và chia sẻ về những năm tháng chiến tranh,” nhà thơ Nguyễn Thị Kim tâm sự.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại đêm thơ. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Cùng chung cảm xúc đó, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay ông thật sự xúc động khi tham dự Ngày Thơ lần thứ 21 với nhiều sự cách tân. Đây là minh chứng cho nỗ lực đổi mới các hoạt động mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá X đã họp bàn và quyết định.

“Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một lễ hội mới với người yêu thơ trong cả nước. Những gì tôi chứng kiến cho thấy Ngày thơ Việt Nam đã sống động hơn, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng," nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét.

[Ngày thơ Việt Nam 2023 tại Hà Nội - Trọn đêm Nguyên tiêu cho thi ca]

Còn với nhà thơ trẻ Lữ Mai, chị cảm thấy Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội không chỉ cho người sáng tác, cho bạn đọc mà thu hút cả du khách trong và ngoài nước có thể chưa biết tới thơ ca hoặc chưa hiểu sâu sắc về thơ ca.

Nhà thơ Lữ Mai đánh giá cao sự sáng tạo trong Ngày Thơ Việt Nam năm nay và cho rằng sự hỗ trợ của các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, các hình thức nghệ thuật khác đã góp phần đáng kể vào tôn vinh thơ ca. Không gian của Đường thơ, Đường sách, Cây thơ, Nhà ký ức thơ... mang lại cho công chúng nhiều sự xúc động trong cách thưởng thức, cảm nhận thơ ca.

Nhà thơ Lữ Mai đọc thơ tại Đêm thơ Nguyên tiêu. (Ảnh: NVCC)

“Tôi nghĩ rằng sự cách tân này là một gợi ý về sự kiến tạo, thay đổi không gian để thơ ca đến với công chúng một cách gần gũi hơn,” nhà thơ chia sẻ.

'Đòn bẩy' cho những sáng tạo tiếp nối

Sau nhiều năm “định hình thương hiệu” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ngày Thơ Việt Nam đã có phần nhạt nhòa vì phương thức tổ chức truyền thống tại sân thơ trẻ-sân thơ già.

Dù có một số sai sót như sai tên tác giả hay nhầm lẫn từ ngữ trong khu vực triển lãm các bài thơ nổi tiếng, Ngày Thơ năm nay đã thực sự gây ấn tượng mạnh với những người tham dự. Thơ và nhạc được chắp cánh để thăng hoa hơn qua màn trình diễn ánh sáng, âm thanh, nghệ thuật sắp đặt và hội họa qua bàn tay tài tình của tổng đạo diễn Lê Quý Dương. Anh được mệnh danh là “phù thủy lễ hội” với kinh nghiệm đạo diễn nhiều lễ hội quy mô lớn trong nước.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho hay điều thách thức và cũng rất thú vị khi đưa ngày thơ lên sân khấu lớn là làm sao không để mất đi chất thơ của chương trình.

“Sân khấu biểu diễn lớn có tính hướng ngoại trong khi thi ca mang tính hướng nội. Tôi biết cũng có ý kiến lo lắng tôi là đạo diễn hay làm các chương trình lễ hội và sự kiện lớn có thể biến Đêm thơ Nguyên tiêu mất đi chất thơ vốn có của mình. Tôi không ngại điều này lắm vì quan trọng nhất đối với tôi vẫn là sự nghiên cứu nghiêm túc đối tượng chương trình mình sẽ dàn dựng để từ đó có cảm xúc. Cảm xúc sẽ là nguồn cội của những ý tưởng độc đáo. Từ ý tưởng sẽ hình thành phương pháp dàn dựng,” vị tổng đạo diễn chia sẻ.

Ông Dương cho biết Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trưởng Ban tổ chức của chương trình đã chia sẻ ý tưởng và cảm xúc để đạo diễn thăng hoa trong sáng tạo của mình.

Áp lực lớn nhất đối với ông Dương là chương trình được livestream trên các nền tảng của Truyền hình Quốc hội, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao mà hoàn toàn không có một buổi chạy tổng duyệt nào.

“Đặc thù của chương trình là vậy và tôi cũng không muốn các nhà thơ lão thành phải đi tổng duyệt. Tôi muốn tôn vinh và giới thiệu các nhà thơ bằng chính cảm xúc và nhân cách thật nhất của họ trên sân khấu. Họ không phải là diễn viên của tôi. Họ là những tượng đài thi ca thầm lặng cần được tri ân một cách đẹp và chân thật nhất,” tổng đạo diễn bày tỏ.

Và kết quả đã vượt ngoài mong đợi, sự kiện kết thúc với nhiều dư âm tốt đẹp, là “đòn bẩy,” động lực và cảm hứng để Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục sáng tạo trong công tác tổ chức Ngày Thơ Việt Nam những năm sau.

Khách tham quan chép những câu thơ trưng bày tại Ngày Thơ Việt Nam 2023. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tin rằng sức hút của Ngày Thơ lần thứ 21 đến từ sự mới mẻ. Ông cho rằng Ngày Thơ Việt Nam như sự nở bừng của đóa hoa thơ trong ánh sáng, âm nhạc huyền ảo và sự xuất hiện của đại diện các nhà thơ nhiều thế hệ bằng nhiều hình thức.

“Những năm trước, Ngày Thơ có sân thơ trẻ, sân thơ già. Năm nay chỉ có sân thơ chung để các nhà thơ trẻ và nhà thơ cao tuổi giao lưu. Vốn dĩ trong thi ca không có tuổi tác. Những năm tới, chúng tôi sẽ mang Ngày Thơ đến các địa điểm khác để mở rộng không gian thơ, để thơ lan tỏa hơn nữa,” ông Thiều khẳng định.

Nhà báo Hạnh An An, người trình bày bài “Mưa Thuận Thành” của thi sỹ Hoàng Cầm trong Đêm Thơ Nguyên tiêu tán thành quan điểm này. Chị cho rằng chương trình nghệ thuật đã kết nối nhiều loại hình trình diễn, là “cái gạch nối” giữa các thế hệ người làm thơ mà không cần tách bạch thơ già-thơ trẻ.

“Cách tổ chức năm nay khiến ngày hội thơ trở nên giàu cảm xúc, hấp dẫn với nhiều đối tượng khán giả. Tôi cho rằng đó là điều quan trọng nhất. Mong rằng những năm sau, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục có những sáng tạo thú vị để Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội văn hóa,” nhà báo chia sẻ./.

Bất chấp trời mưa phùn ẩm, hàng trăm khách tham quan vẫn đến Hoàng Thành Thăng Long sáng ngày 5/2 để đón sự kiện Ngày Thơ Việt Nam 2023. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Từ 7 giờ, một số khách tham quan đã có mặt sớm để khai mạc sự kiện, cho biết thời tiết không mưa. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đến khoảng 8 giờ bắt đầu có mưa phùn song khách tham quan vẫn liên tục đến sự kiện. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đi dọc đường thơ, ông Đặng Ngọc Hải vừa che ô vừa lặng lẽ đọc câu thơ của Chu Mạnh Trinh. Ông cho biết phải đi hai tuyến xe buýt qua cầu Thăng Long đồng thời không ngại tình hình thời tiết mưa phùn ẩm ướt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
''Thời tiết này không ảnh hưởng gì cả. 'Yêu nhau mấy núi cũng trèo cơ mà.' Chính thơ ca là thứ làm tâm hồn ta thanh thảnh,'' ông chia sẻ. Trời mưa phùn khiến các tờ in thơ và mặt kính ướt sũng nước. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đến khoảng 9 giờ 45 phút, trời đổ mưa rào. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiều hoạt động của ngày thơ đều bị ảnh hưởng, Đường thơ và Đường sách ngoài trời gần như phải tạm ngừng hoạt động. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Không gian Nhà ký ức của Bảo tàng Văn học cũng chịu thấm dột do mưa lớn, buộc phải che chắn tủ kính chứa kỷ vật, tư liệu của các nhà thơ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đến thời kiểm khoảng 10 giờ 20 phút, trời ngớt mưa và hửng nắng. Các hoạt động ngoài trời dần được nối lại, tiếp tục đón khách. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Ngày thơ Việt Nam là sự kiện thường niên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng. Sự kiện thu hút sự quan tâm và tham gia của khách thơ, người yêu thơ khắp nơi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nói đến người yêu thơ thì không thể bỏ qua thế hệ trẻ. Một bạn sinh viên có mặt trong không gian Nhà ký ức của Bảo tàng Văn học cho biết bản thân là một người yêu thích thơ ca từ những năm học cấp 3 đến nay, vì vậy không thể bỏ lỡ những chương trình vinh danh có quy mô và hiếm hoi như thế này. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sự kiện là dịp để khách thơ trao đổi các tác phẩm của mình, chia sẻ về tình yêu với thi ca... (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
...và cũng là nơi để thế hệ đi trước truyền đi tình yêu thi ca, văn nghệ với thế hệ kế cận. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau 3 năm bị gián đoạn, không thể tổ chức tập trung vì COVID-19, Ngày thơ Việt Nam 2023 trở lại với chủ đề ''Nhịp điệu mới'' với khí thế và niềm tin phục hồi trên mọi mặt, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ diễn ra cả ngày 5/2 trên cả nước, thay vì chỉ tập trung trong buổi sáng như những năm trước. Đến tối cùng ngày, Đêm thơ Nguyên Tiêu tại nhiều tỉnh, thành sẽ đồng loạt được tổ chức. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tại Hà Nội, sự kiện sẽ diễn ra tại khu vực Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long từ 19 đến 21 giờ, mang đến các tiết mục ngâm thơ đặc sắc, truyền đi những thông điệp nhân văn, tốt đẹp. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục