Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề 'Người Kinh Bắc'

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, thơ ca Bắc Giang tiếp tục hòa vào dòng chảy thơ ca Việt Nam, thể hiện khí phách, bản lĩnh, lương tâm và khát vọng của dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề 'Người Kinh Bắc' ảnh 1Nhà thơ Venezuela Gustavo Pereira với tác phẩm Vietnam 1967. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Ngày 19/2 (đúng ngày rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề “Người Kinh Bắc."

Tham dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đặc biệt, Ngày thơ còn có sự góp mặt của gần 200 đại biểu quốc tế là nhà thơ, dịch giả, nhà văn đến từ 46 nước trên thế giới; nhiều văn nghệ sỹ, nhà sáng tác thơ, văn học, nghệ thuật trong cả nước; đông đảo nhân dân và công chúng yêu thơ.

[Văn học, thi ca giúp rút ngắn mọi khoảng cách]

Trước lễ khai mạc Ngày thơ, Nghi lễ rước lửa từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) về Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang được tổ chức, thể hiện sự tiếp nối của tinh thần văn hiến và anh hùng, giữa truyền thống và hiện đại.

Phát biểu khai mạc Ngày thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định vùng đất Bắc Giang từ xa xưa đã là nơi xuất thân của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà, tiêu biểu như tiến sỹ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”; tiến sỹ Ngô Văn Cảnh; các Trạng nguyên Đào Sư Tích, Giáp Hải, Đoàn Xuân Lôi.

Từ thế kỷ XX có Nguyễn Khắc Nhu, Tương Phố, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Hoàng Cầm, Đỗ Chu…

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề 'Người Kinh Bắc' ảnh 2Quang cảnh Lễ khai mạc Ngày thơ. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, thơ ca Bắc Giang tiếp tục hòa vào dòng chảy thơ ca Việt Nam, thể hiện khí phách, bản lĩnh, lương tâm và khát vọng của dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang mong rằng sau sự kiện hôm nay, các nhà văn, nhà thơ, đại biểu trong nước và quốc tế sẽ dành nhiều thời gian đến với Bắc Giang để gặp gỡ, tìm hiểu về con người, về lịch sử, văn hóa, cuộc sống lao động, sản xuất; tham quan những danh lam thắng cảnh; cảm nhận về mảnh đất Bắc Giang, qua đó sẽ có nhiều cảm xúc thăng hoa để khai mở những tác phẩm thi ca mới.

Phát biểu tại Ngày thơ, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Bắc Giang là mảnh đất phên dậu bảo vệ Tổ quốc nghìn năm. Trong suốt chiều dài lịch sử, Bắc Giang đều cống hiến cho lịch sử nhiều hiền tài đất nước. Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang chính là “Điện Biên Phủ” Việt Nam ở thế kỷ XV trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chọn Xương Giang làm nơi tổ chức Ngày thơ 2019, nhằm bày tỏ lòng biết ơn với các thế hệ đi trước và kêu gọi nhân dân cả nước kết hợp sức mạnh lịch sử và hiện tại để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc."

Sau phần khai mạc, các đại biểu và công chúng yêu thơ đã được thưởng thức màn trình diễn các tác phẩm thơ tiêu biểu của các nhà thơ trong nước và quốc tế, xen kẽ là các tiết mục văn nghệ đặc sắc giới thiệu về văn hóa, con người Bắc Giang.

Sau khi trình diễn bài thơ “Dường như đang ở Hạ Long," nhà thơ Gjeke Marinaj (Hoa Kỳ) chia sẻ Ngày thơ Việt Nam là một sự kiện rất thú vị, góp phần quảng bá nền thơ ca của Việt Nam đến với thế giới.

"Tôi nghĩ rằng thi ca Việt Nam rất khác biệt với các nền thi ca trên thế giới. Trong 4.000 năm lịch sử, các nhà thơ Việt Nam đã sử dụng thi ca như một công cụ. Bằng cách sử dụng thi ca như một công cụ, chính người dân Việt Nam đã chiến thắng các cuộc chiến tranh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục