Với xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng, ảnh hưởng đến lối sống và chế độ sinh hoạt, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không còn xa lạ đối với nhiều người trên thế giới.
Ông Michael Donohoe (người Mỹ) đã phải chứng kiến nhiều người thân trong gia đình qua đời vì căn bệnh này. Bản thân ông cũng mắc bệnh đái tháo đường type 2 và chịu nhiều biến chứng.
Do được chẩn đoán sớm, ông đã có ý thức ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên hơn, giúp cải thiện bệnh đáng kể.
Nhận thấy vẫn còn nhiều định kiến đối với bệnh nhân tiểu đường do các triệu chứng không rõ ràng, nhiều người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc men và dịch vụ y tế, ông Donohoe đã tham gia vào các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này.
Cuộc sống của anh Tazul Islam, người Bangladesh đã bị đảo lộn hoàn toàn sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường khi mới 16 tuổi.
Những thông tin sai lệch về căn bệnh khiến anh bị bạn bè ở trường bắt nạt, còn cha mẹ anh cố gắng sử dụng các phương pháp khác thay vì dùng insulin điều trị.
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng.
Việc thiếu dịch vụ và cơ sở vật chất cho trẻ mắc em đái tháo đường tại Bangladesh khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.
Có thể thấy dù đái tháo đường là căn bệnh phổ biến, song nhận thức về căn bệnh, hạ tầng y tế, bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc lại không theo kịp với tình hình.
Đây là bệnh mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (type 1), hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin (type 2), dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh tiểu đường diễn tiến âm thầm, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu năm 2020.
Theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2021, trên thế giới có 537 triệu người trưởng thành sống chung với bệnh đái tháo đường. Dự báo con số này sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045.
Hơn 75% người trưởng thành mắc bệnh tập trung ở những nước thu nhập thấp và trung bình. Căn bệnh này là nguyên nhân dẫn đến 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021, khiến đây trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng.
Trong bối cảnh trên thế giới có hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và chẩn đoán, với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” xuyên suốt trong giai đoạn 2021-2023 và thông điệp "Hiểu nguy cơ, Biết hành động" (Know your risk, Know your response), Ngày Thế giới Phòng, Chống Đái tháo đường (14/11) muốn nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo người bệnh được chăm sóc, hỗ trợ để từ kiểm soát tình trạng sức khỏe và tránh các biến chứng.
Theo WHO, trong 3 thập kỷ qua, số ca mắc đái tháo đường type 2 tăng mạnh tại tất cả các nước bất kể thu nhập. Đái tháo đường type 2 chiếm 90% số trường hợp mắc đái tháo đường.
Do đó, chiến dịch năm 2023 sẽ tập trung vào việc nhận thức được nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 để làm chậm quá trình phát triển bệnh, phòng ngừa nguy cơ; cũng như nêu bật tác động của các biến chứng, tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin chính xác và đảm bảo chữa trị kịp thời.
Một số nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 2 gồm tiền sử mắc bệnh trong gia đình, thừa cân, chế độ ăn không lành mạnh, ít vận động do ảnh hưởng của xu hướng đô thị hóa, tuổi tác cao, huyết áp cao, dinh dưỡng kém trong thai kỳ, tiền sử bị tiểu đường thai kỳ, rối loạn dung nạp glucose.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc khám sàng lọc và kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với những người có nguy cơ sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu sớm, từ đó điều chỉnh lối sống kịp thời để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2, hạn chế biến chứng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận điều trị và nâng cao nhận thức về bệnh vẫn là rào cản lớn tại nhiều khu vực, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tỷ lệ chẩn đoán đái tháo đường thấp là do bất bình đẳng tiếp cận dịch vụ y tế, thuốc men, nguồn lực hạn chế tại khu vực nông thôn, quốc gia thu nhập thấp, hệ thống y tế hoạt động chưa hiệu quả.
Theo WHO, chỉ có 27% trong số 108 nước nghèo đăng ký tất cả các loại insulin là thuốc thiết yếu và 22% không đăng ký bất kỳ loại insulin nào.
Nhiều nước còn không đủ hạ tầng để lưu trữ thuốc cần bảo quản lạnh này, hay phụ thuộc vào duy nhất một nguồn cung, đây là nguyên nhân khiến các nước thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận insulin.
Tại Việt Nam, theo IDF, có khoảng gần 4 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường, chủ yếu là type 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.
Giảm bớt tình trạng bất bình đẳng y tế, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và nâng cao nhận thức cho mọi nhóm, cộng đồng trong xã hội là yêu cầu cấp bách.
Canada đã đầu tư 4,5 triệu USD trong 4 năm cho Chương trình Phòng ngừa đái tháo đường, trong đó khuyến khích thay đổi lối sống, tăng cường hoạt động thể chất, cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, hỗ trợ, tư vấn cho những người có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 (bao gồm cả người bản địa, người Canada gốc Nam Á, gốc Phi).
Theo Chiến lược Quốc gia Phòng chống Bệnh Đái tháo đường giai đoạn 2021-2030 của Australia, nhóm có thu nhập và địa vị thấp trong xã hội có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn.
Thổ dân, cư dân đảo Torres Strait, người dân sống ở nông thôn, vùng hẻo lánh, người khuyết tật, người lớn tuổi, hoặc đến từ gia đình đa văn hóa thường chịu gánh nặng y tế nhiều hơn các nhóm khác trong xã hội.
Từ thực tế này, Chính phủ Australia đã quyết định nâng cao nhận thức, phát hiện sớm bệnh với nhóm có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 thông qua việc đưa xét nghiệm đái tháo đường vào danh sách các bệnh mạn tính cần kiểm tra sức khỏe, tăng cơ hội kiểm tra sàng lọc cả với những bệnh nhân nhập viện khẩn cấp vì nguyên nhân khác.
Đối với những người mới được chẩn đoán, giới chức y tế sẽ đẩy mạnh các chương trình giáo dục về tự kiểm soát, theo dõi sức khỏe, tư vấn từ xa đặc biệt là với trẻ em và các cộng động thiểu số khác; mở rộng tiếp cận các phương pháp điều trị thiết yếu đối với các bệnh viện công.
Ở cấp độ quốc tế, tháng 4/2021, WHO đã triển khai Sáng kiến Toàn cầu Phòng Chống Đái tháo đường (GDC) nhằm cải thiện công tác phòng ngừa và chữa trị bệnh đái tháo đường, thông qua việc cải thiện tiếp cận thuốc và công nghệ điều trị, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và trung bình; đưa công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị đái tháo đường vào chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua các chương trình hỗ trợ của WHO; khuyến khích khu vực tư nhân tích cực đóng góp vào các chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với bệnh này.
Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách về y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21. Đây là căn bệnh đòi hỏi điều trị lâu dài, chẩn đoán sớm để có thể phòng ngừa biến chứng, từ đó giảm gánh nặng cho người bệnh và ngành y tế.
"Hiểu nguy cơ, Biết hành động," thông điệp ngày 14/11 kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm với sức khỏe của mình, trong khi các chính phủ xác định phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên trong việc bảo vệ sức khỏe người dân./.