“Ngày Tận thế” 21/12, thời điểm kết thúc lịch đếm dài của người Maya, từ lâu nay đã được các nhà làm phim Hollywood khai thác triệt để. Tại trung tâm điện ảnh Forum des Images, một thành viên có tên Isabelle Vanini đã lập hẳn danh sách 80 bộ phim từ ngắn tới dài đủ để xem từ ngày 12/12 cho tới đúng ngày 21/12. Cô chia sẻ với AFP: “Tôi thậm chí còn có thể tìm gấp đôi chỗ này cũng được. Chúng ta có đủ mọi thể loại, từ phim bom tấn về thảm họa, phim tài liệu, hài hay viễn tưởng cho tới cả phim nghệ thuật đen trắng.” Trong những năm gần đây, điện ảnh chứng kiến nở rộ những bộ phim “cận Tận thế” – nói về việc con người sẽ sống những giây phút cuối đời như thế nào. Một ví dụ điển hình là cặp vợ chồng trong bộ phim "4:44 Last Day on Earth” (2011) của đạo diễn Abel Ferrara. Theo Peter Szendy, tác giả của một cuốn sách với đề tài này thì “một bộ phim như 4:44 là một cánh cửa tận thế. Nó kể một câu chuyện rất đơn giản, điều mà ta gặp gỡ rất tự nhiên trong cuộc sống: Mỗi khi ai đó qua đời thì đó là sự tận thế với người đó.” Các bộ phim như “Take Shelter” của đạo diễn Jeff Nichols hay “Melancholia” của Lars Von Trier cũng có nội dung tương tự. Bộ phim đầu kể về một người cha bảo vệ gia đình trước cơn bão, trong khi tác phẩm sau xoay quanh hai chị em trước viễn cảnh Trái Đất sắp va chạm với một hành tinh bí ẩn. Vanini nhận định: “Rất nhiều nhà làm phim nghiệp dư chọn ngày Tận thế làm niềm cảm hứng mới. Không giống như những bộ phim bom tấn luôn biến thế giới thành đống hoang tàn, những bộ phim kinh phí thấp này thường có nội dung xâu xa hơn và đôi khi còn rất ý nghĩa.” Thực chất, ngay từ năm 1931, đạo diễn người Pháp Abel Gance đã làm tác phẩm nói về thời điểm Trái Đất bị diệt vong có tên “The End of the World.” Nội dung bộ phim xoay quanh việc Trái Đất sắp bị đâm bởi một ngôi sao chổi và theo Vanini thì “tác phẩm đã kể được nỗi sợ xung đột thế giới, điều sẽ xảy ra vài năm sau đó với Thế chiến thứ Hai.” Tới thời kì chiến tranh lạnh, các bộ phim “Fail Safe”, “The World, the Flesh and the Devil” và nổi tiếng nhất là tác phẩm kinh điển “Dr Strangelove” của bậc thầy Stanley Kubrick lần lượt được ra đời. Vanini nhận định: “Tất cả những bộ phim trên không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn phản ánh nỗi sợ của xã hội vào thời điểm đó.” Vào năm 1965, bộ phim theo phong cách tài liệu “The War Game” của Peter Watkins đã đặt bối cảnh nước Anh lâm vào chiến tranh hạt nhân. Những hình ảnh trong phim ghê sợ tới mức phải hai thập kỉ sau bộ phim mới được chiếu tại nước Anh. Những bộ phim nói về Ngày tận thế thường nói lên tư tưởng, nỗi sợ của thời đại. Đó là lí do tại sao trong khoảng chục năm trở lại đây, điện ảnh thường mô tả Ngày tận thế như hậu quả của sự tàn phá thiên nhiên mà con người đã gây ra. Các thảm họa tự nhiên như băng tan, sóng thần, động đất ... là vô cùng quen thuộc trong như phim như “The Day After Tomorrow” (2004) hay “2012” (2009).
Hình ảnh trong phim Contagion, một bộ phim nói về dịch bệnh (Nguồn: IMDB)
Virus sinh học dẫn tới bệnh dịch cũng là một nỗi ám ảnh với con người và được các nhà làm phim khai thác qua “Contagion” (2011), “28 Weeks Later” (2007), “Blindness” (2008) hay “12 Monkeys” (1995)./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)