Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5: Tôn vinh sự đa dạng và hòa nhập

Hiệp hội Bảo tàng quốc tế hướng dẫn các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thông tin từ Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 6/5 cho biết, Cục Di sản văn hóa đã gửi văn bản số 241/DSVH-BT cho hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2020.

Năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn chủ đề "Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và Hòa nhập" nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cũng như đội ngũ cán bộ làm việc tại bảo tàng.

Với chủ đề này, Hiệp hội khuyến khích các bảo tàng cùng tham gia để tạo sự kết nối chung cho tương lai và truyền thống; nâng cao vai trò của việc đa dạng và hòa nhập trong các thiết chế văn hóa; thúc đẩy trao đổi văn hóa như chất xúc tác cho hòa bình giữa các dân tộc; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế hướng dẫn các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.

Cụ thể, các bảo tàng cần đa dạng cách thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến; xây dựng nội dung cho trang mạng xã hội của bảo tàng. Đồng thời, các bảo tàng giới thiệu hình ảnh đẹp về hiện vật hoặc sưu tập hiện vật đặc biệt; xây dựng chương trình giới thiệu di sản văn hóa trên truyền hình...

Các đơn vị bảo tàng cần đẩy mạnh việc số hóa hình ảnh các sưu tập hiện vật, tác phẩm nghệ thuật; xây dựng cổng thông tin trực tuyến, khuyến khích du khách tham gia tìm hiểu nội dung trưng bày.

[Các khu, điểm du lịch đảm bảo an toàn khi mở cửa đón khách trở lại]

Bên cạnh đó, các bảo tàng có trách nhiệm giới thiệu sưu tập quý hiếm, xây dựng chương trình giáo dục trực tuyến phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Thông qua các trang mạng xã hội, các bảo tàng có thể giới thiệu những hình ảnh đẹp, có chất lượng cao về hiện vật hoặc sưu tập hiện vật của bảo tàng; vận dụng lợi thế của mạng xã hội để sáng tạo các hình thức giới thiệu di sản văn hóa nhằm khuyến khích khách tham quan biết đến nội dung giới thiệu và hoạt động của bảo tàng.

Cùng với đó, các bảo tàng cần nghiên cứu, xây dựng chương trình chuyên đề trên truyền hình, đài phát thanh truyền thống và trực tuyến; từng bước hình thành hệ thống chương trình nội dung giới thiệu di sản văn hóa, tạo sự thân thiện, xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian giữa bảo tàng với khách tham quan…

Trên cơ sở này, các bảo tàng tại Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung giới thiệu sưu tập của bảo tàng, đa dạng cách thức giới thiệu các sưu tập (phim ngắn, bài viết, hình ảnh đồ họa 3D, diễn giải di sản văn hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin).

Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quan tâm tới nội dung truyền thông số trên ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội hoặc điện thoại thông minh.

Các bảo tàng cần chủ động phối hợp với ngành giáo dục để giới thiệu di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể tới học sinh, sinh viên gắn với chương trình học tập.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục