Ngày Phụ nữ Việt Nam: 50 ngày đáng nhớ của các nữ quân y tương lai

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đỗ Thị Cẩm Huyền, học viên Học viện Quân y không ngại khó khăn bước vào trận chiến chống COVID-19.
Nữ chiến sỹ Vũ Kim Khánh trong ngày Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tri ân lực lượng hỗ trợ. (Ảnh: TTXVN)

Gần hai tháng qua là khoảng thời gian khó quên với những nữ y, bác sỹ, học viên của Học viện Quân y (Hà Nội). Họ vừa mừng, vừa lưu luyến bởi sau chuỗi ngày dài căng thẳng, cuối cùng cũng đến lúc hoàn thành nhiệm vụ, rời các trạm y tế, khu cách ly, tạm biệt Thành phố Hồ Chí Minh để lên đường trở về nhà.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đỗ Thị Cẩm Huyền, học viên Học viện Quân y không ngại khó khăn bước vào trận chiến chống COVID-19. Với Huyền, tình cảm của người dân, những trải nghiệm lần đầu tiên trong đời khi tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 đã phần nào tiếp thêm sức mạnh, giúp cho cô tiếp tục “chiến đấu.”

Huyền kể, đoàn tới Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/8 là thời gian thành phố đang cao điểm của dịch bệnh. Đoàn được chia thành hai nhóm, một nửa xuống Bình Dương, nửa còn lại nhận nhiệm vụ ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Huyền.

Từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, cô cảm nhận được phần nào sự tàn khốc, mất mát do dịch COVID-19 tàn phá. Vượt lên mọi khó khăn, tình cảm và sự thân thiện của người dân thành phố là nguồn động lực to lớn giúp em vượt qua nỗi sợ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhóm của Huyền được phân công hỗ trợ tại Quận 8 với nhiệm vụ là chăm sóc bệnh nhân COVID-19 (các F0) có triệu chứng nhẹ tại nhà. Huyền nhớ lại: Lúc mới vào Thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết nắng, mưa thất thường cùng cường độ công việc đòi hỏi áp lực cao, em thường xuyên bị ốm, đồng thời còn lúng túng với việc tìm đường đến nhà của bệnh nhân. Nhờ có các anh, chị tình nguyện viên nhiệt tình giúp đỡ, dần dần, em cũng thích nghi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

[Những nữ chiến sỹ áo blouse trắng kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch]

Trong quá trình tiếp cận, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, thời gian đầu, Huyền cùng hai đồng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do những bệnh nhân mắc COVID-19 đa phần đều có bệnh nền, thiết bị hỗ trợ và thuốc cho bệnh nhân ở thời điểm đó rất hạn chế. “Khi tới đây làm việc, em đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế rằng, hôm nay em là người điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhưng ngày mai em có thể là bệnh nhân.

Vì vậy, mỗi ngày, chúng em đều tự động viên bản thân cố gắng hết sức mình để giúp người dân, mong muốn mọi người ở đây nhanh chóng khỏi bệnh, bình an. 50 ngày sát cánh cùng lực lượng địa phương “chiến đấu,” giúp người dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch, đó là trải nghiệm lần đầu tiên và em sẽ không bao giờ quên,” Huyền chia sẻ.

Cũng giống như Huyền, Vũ Kim Khánh, học viên Học viện Quân Y tâm sự, đợt chi viện này cũng là lần đầu em tới Thành phố Hồ Chí Minh. “Kỷ niệm của em còn lưu giữ được là những hình ảnh trải dài từ những ngày đầu tiên được đón tiếp khi vào chi viện đến nay. Từ những sự hỗ trợ của người dân đến tình đoàn kết của đồng đội, từ những lúc vất vả đến khi có thời gian để cười đùa, mọi thứ luôn hiển hiện rõ nét mỗi khi nhớ lại”, Kim Khánh hồi tưởng.

Kim Khánh kể: Nhóm của em phụ trách việc tổ chức các Trạm Quân y lưu động. Ban ngày, em cùng đồng đội, đồng nghiệp, các tình nguyện viên, y, bác sỹ tham gia lấy mẫu cộng đồng, buổi chiều tối đi khám, phát thuốc cho bệnh nhân, ban đêm cả đơn vị sẽ chia ca trực cấp cứu. Có những đêm, chúng em vừa đặt lưng xuống, bệnh nhân thông báo có dấu hiệu bất thường. Những lúc ấy, thời tiết thế nào cũng phải đi. Cũng vì vậy, em mới biết thế nào là mùa mưa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận nhiệm vụ tại Quận 8 cùng đội với Cẩm Huyền, kỷ niệm trong bạn Lưu Phương Linh khi tới Thành phố Hồ Chí Minh là khi cô nhìn thấy những sợi dây đỏ giăng khắp nơi, cảm giác sợ hãi bao trùm. Thế nhưng vượt lên trên những rào cản về tinh thần, cô cho rằng đây chính là cơ hội để thách thức bản thân, giúp mình trưởng thành hơn.

Tại Quận 8, công việc của Linh là hỗ trợ các Trạm Y tế lưu động của phường đi tiêm vaccine cho người dân. Vào đúng thời điểm dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, nhóm của Linh làm việc với cường độ cao, mỗi ngày tiêm cả ngàn liều vaccine cho người dân. “Có những lúc mệt mỏi cần lắm những giấc ngủ nhưng cứ nghĩ đến người dân họ đang phải chống chọi từng ngày, tôi càng mạnh mẽ hơn. Và hơn hết, tôi được cống hiến một chút sức mọn của mình, tôi thấy hạnh phúc,” Linh bộc bạch.

Linh tâm sự, mỗi ngày, công việc của các y, bác sỹ cùng học viên diễn ra từ sáng sớm tới 10 giờ đêm, chưa kể những ca bệnh phát sinh tình huống khẩn cấp. Gần hai tháng sát cánh bên những tình nguyện viên, những nhân viên y tế phường, cô cảm nhận được tình cảm, sự sẻ chia của người dân nơi đây. Đặc biệt, những người dân gần khu cô sống ai cũng nhiệt tình, dễ thương, giúp đỡ cho cô và đồng đội những điều cần thiết. Đó chính là nguồn động lực, sự an ủi, khích lệ và với cô người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia tay với Thành phố Hồ Chí Minh để quay về Hà Nội học tập, Linh cho rằng, gần hai tháng qua là khoảng thời gian không dài nhưng mang lại cho cô nhiều kỷ niệm khó quên. Đây chắc hẳn sẽ là món quà đặc biệt không chỉ riêng cô mà cho tất cả hơn 300 học viên của Học viện Quân y trong ngày trở về. Cùng một  tâm sự, Huyền cho biết thời gian tới, cô nhất định sẽ quay lại Thành phố Hồ Chí Minh để ghé thăm những bệnh nhân mà cô từng chăm sóc, đi chơi và ăn những món ngon ở nơi này. Huyền gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới người dân Thành phố Hồ Chí Minh, mong bà con luôn mạnh khoẻ, an lành và lạc quan vượt qua đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục