Ngày Người khuyết tật Việt Nam: Thành công lớn từ những bước đi nhỏ

Vượt lên nghịch cảnh, nam thanh niên Hoàng Kim Vị, sinh năm 1992, ở xóm 1, xã Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An, vẫn nỗ lực để trở thành người có ích, là một tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp.
Ngày Người khuyết tật Việt Nam: Thành công lớn từ những bước đi nhỏ ảnh 1Hoàng Kim Vị dự đại hội Đoàn huyện Hưng Nguyên vào đầu tháng 4/2022. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Cuộc sống không may mắn với Hoàng Kim Vị, xóm 1, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An từ khi mới lọt lòng.

Vượt lên nghịch cảnh, nam thanh niên sinh năm 1992 vẫn nỗ lực để trở thành người có ích và là một tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp. Từ nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng của cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của Tỉnh Đoàn Nghệ An, chàng trai khuyết tật Hoàng Kim Vị đã minh chứng nghị lực vượt lên số phận của mình.

Vượt lên số phận

Từ khi bắt đầu có nhận thức, Hoàng Kim Vị đã biết mình không giống mọi người bởi không có một đôi chân nguyên vẹn để có thể đi lại. Chính vì thế, Vị cũng như nhiều người khuyết tật khác đã từng mang nặng sự tự ti, mặc cảm.

“Có thể, bố mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè đều rất yêu thương, hạn chế những lời nói hành động khiến cho Vị tổn thương. Tuy nhiên, mọi người không biết rằng đó cũng chính là áp lực và về lâu dài sự bao bọc thương yêu tạo cho Vị một sức “ì,” không có tư tưởng nỗ lực, phấn đấu,” Hoàng Kim Vị mở lòng.

Ở vùng quê bán sơn địa, có đất vườn rộng, qua tìm hiểu từ các hộ gia đình làm ăn giỏi trong xã và trên sách báo, Vị nhận thấy chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. “Chăn nuôi sinh thái” là một dự án của Hoàng Kim Vị dựa trên cơ sở đất đai sẵn có của gia đình để nuôi gà sinh thái theo hướng bán hoang dã, kiếm ăn tự nhiên trên đồi.

[Ngày Người khuyết tật: Ước mơ 'lấp đầy những vầng trăng khuyết'] 

Bên cạnh đó, Vị cũng tìm hiểu để làm các loại thức ăn cho gia cầm từ nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp như bã bia, vỏ lạc, thân cây chuối, lá dâu tằm… ủ với men vi sinh. Hỗn hợp thức ăn này giúp gia cầm hấp thụ tốt, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh đồng thời hạn chế sử dụng kháng sinh. Cho gà ăn loại thức ăn này góp phần tạo mùi vị, chất lượng thịt dai, ngọt và thơm ngon hơn.

Sau khi được hỗ trợ 100 triệu đồng từ tổ chức Đoàn và chương trình hỗ trợ thanh niên yếu thế lập thân, lập nghiệp, Vị có thêm nguồn tài chính xây dựng gia trại khởi nghiệp. Gia trại của Vị hiện có hơn 500 con gà, ngan và 30 con dê, trâu, lợn. Từ chăn nuôi tổng hợp, gia đình anh có nguồn thu ổn định 150-200 triệu đồng/năm.

Không chỉ gà, Vị còn nuôi thêm thêm dê, trâu, bò. Những sản phẩm của trang trại đã nhận được phản hồi tốt từ thị trường bởi được sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bổ dưỡng.

Bước đầu khởi nghiệp, Hoàng Kim Vị gặp không ít trở ngại, bản thân lại khuyết tật; nhưng khó khăn bao nhiêu anh càng cố gắng bấy nhiêu. Hàng ngày, anh chăm sóc đàn gia súc, gia cầm với đủ thứ việc mà một người bình thường cũng thấy vất vả. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của anh phát triển tốt. Mỗi năm anh nuôi 3-4 lứa gà, ngan thương phẩm, mỗi lứa 400-700 con.

Từ một thanh niên khuyết tật, với ý chí vươn lên Hoàng Kim Vị không chỉ làm ra của cải vật chất nuôi bản thân mà còn làm giàu cho gia đình, là tấm gương về tinh thần vượt khó ở địa phương.

Ngày Người khuyết tật Việt Nam: Thành công lớn từ những bước đi nhỏ ảnh 2Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của anh Vị phát triển tốt. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

“Mình chỉ là một hạt cát rất nhỏ trong phong trào khởi nghiệp. May mắn của mình có lẽ là có một khởi đầu tốt vì gia đình có đất, có trang trại và chăn nuôi vốn là công việc thường ngày của những người lớn lên ở nông thôn như mình,” Hoàng Kim Vị chia sẻ.

Theo Vị, khi bắt đầu triển khai dự án khởi nghiệp, việc chăn nuôi được đầu tư bài bản hơn, có chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật đem lại năng suất cao hơn, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển lâu dài. Hiện, hoạt động của trang trại đã đi vào ổn định. Sản phẩm được tiêu thụ ở các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Đây là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình anh.

Bắt tay làm ăn lớn

Dù mỗi lứa, gia đình Vị đang xuất bán hàng trăm con gà, ngan nhưng chủ yếu là qua các thương lái và không ít lần bị ép giá, dẫn đến thiếu ổn định trong chăn nuôi, sản xuất. Chính vì thế, thay vì phải phụ thuộc như hiện nay, Vị cùng một số người bạn đang xây dựng phương án theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Cụ thể, các anh sẽ kết nối với các nhà hàng để nhận cung cấp thực phẩm thường xuyên với cam kết sản phẩm sạch, giá cả ổn định và đa dạng các mặt hàng. Theo Vị, nếu sớm được triển khai thì việc chăn nuôi ở trang trại sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Vị cũng đang có kế hoạch mở rộng chuồng trại để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đặc biệt là nuôi thêm cá trê, giun quế, đầu tư phát triển nuôi lợn sinh sản để cung cấp nguồn lợn giống cho người chăn nuôi ở địa phương, trồng thêm một số cây ăn quả, rau màu làm thức ăn cho chăn nuôi.

“Thực tế những người mới khởi nghiệp thường bắt đầu từ bàn tay trắng và nguồn lực rất ít. Con đường đi đến thành công không thể tránh khỏi những thất bại. Vì vậy, nếu có sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể thì việc khởi nghiệp như tôi sẽ thuận lợi hơn,” Hoàng Kim Vị cho biết.

Ngày Người khuyết tật Việt Nam: Thành công lớn từ những bước đi nhỏ ảnh 3Song song với vai trò là một người nông dân, anh Vị có một công việc khá ổn định tại một cơ sở đồ điện gần nhà. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Những năm Trung học phổ thông, Vị không phải là một học sinh giỏi nhất lớp nhưng anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất việc học và để trở thành một người bình thường như tất cả những bạn học khác trong lớp. Trước đây, Vị đã từng theo học nghề điện công nghiệp tại một trường Cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố Vinh với suy nghĩ học một nghề để có thể mở cửa hàng, tự nuôi sống mình nhưng chính bạn bè đã chỉ cho anh thấy được những điều hạn chế mà một người khuyết tật không làm được.

Cho đến giờ Vị vẫn nhớ những câu nói của người bạn khi đi thực tập về như “Cột điện cao lắm, Vị không trèo được đâu, còn cả kéo dây điện nữa…” đã khiến Vị hoang mang về ngành học của mình. Đang học năm thứ 2, dù là cán bộ lớp, cán bộ đoàn nhưng Vị vẫn quyết định buông bỏ. Bây giờ nghĩ lại Vị thấy thực sự rất hối tiếc về quyết định của mình.

“Khi thượng đế đóng một cánh cửa, ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác,” dường như câu nói này rất đúng với Hoàng Kim Vị. Anh cho rằng nếu không từ bỏ khóa học ấy, anh sẽ không nghĩ đến phát triển mô hình trang trại chăn nuôi sinh thái. Hiện tại, song song với vai trò là một người nông dân, những kinh nghiệm đã học được tại trường cao đẳng đã giúp Vị có cơ hội để tìm kiếm công việc khá ổn định tại một cơ sở đồ điện gần nhà.

Với mọi người, những điều mà anh đang làm có thể rất nhỏ nhoi nhưng đây là cơ hội để Vị được thể hiện mình và được sống bình thường như tất cả mọi người. “Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới những người khuyết tật rằng đừng tự nhốt mình vào cái hộp khuôn khổ mình định sẵn mà phải tự tin từng bước xóa bỏ đi sự mặc cảm tự ti, sợ hãi để hướng tới những điều tốt đẹp hơn,” Vị chia sẻ.

Hoàng Kim Vị luôn mỉm cười. Anh bảo, cuộc sống vốn đã quá nhiều tủi cực rồi, vậy thì sao lại không cười. Chỉ có cười lên, tin vào cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp thì mới có thêm nhiều hy vọng. Thương yêu vốn không khó, cứ mở lòng mình ra, tin vào người, sống thiện lương sẽ có nhiều bất ngờ và hạnh phúc đến với bạn.

Ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An cho biết dự án của Hoàng Kim Vị còn khá nhỏ so với các mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn trong tỉnh, nhưng phù hợp với sức lực, với tiềm lực của bản thân Vị. Đằng sau đó, là ý chí của của một thanh niên biết vượt lên hoàn cảnh. Trong hai năm qua, tấm gương của Hoàng Kim Vị  luôn là động lực để cho những người khuyết tật tự tin với cuộc sống, mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục