Ngày hội văn học Bỉ giới thiệu tác phẩm cảm động về tình cha con

Ngày hội văn học Bỉ là một trong những hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, thiết thựcthể hiện sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Phái đoàn.
Ngày hội văn học Bỉ giới thiệu tác phẩm cảm động về tình cha con ảnh 1Ông Nicolas Derveaux, đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam (phải) chia sẻ về Ngày hội văn học Bỉ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 3/12, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam đã phối hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Ngày hội văn học Bỉ sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội.

Độc giả đã giao lưu với nhà văn Laurent Demoulin về “Robinson có tự kỷ của tôi,” một tác phẩm cảm động sâu sắc về tình cha con đã giành Giải thưởng Victor-Rossel 2017 của Bỉ.

[Cộng đồng Bỉ nói tiếng Pháp muốn duy trì hợp tác hiệu quả với Việt Nam]

Câu chuyện xoay quanh cậu bé Robinson và bố của cậu. Robinson là một cậu bé tự kỷ, thể xác tuy lớn lên nhưng trí tuệ thì chững lại. Bố của Robinson là một giáo sư văn học không ngại chinh chiến khắp các giảng đường lớn nhỏ để phân tích về sự kỳ diệu và quyền lực mềm của ngôn ngữ, nhưng hoàn toàn bất lực khi có đứa con trai chẳng giống những đứa trẻ bình thường.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, tác giả Laurent Demoulin cho biết: “Bằng tất cả sự vụng về nhưng đầy can đảm, người bố ấy dấn thân vào hòn đảo cô độc của đứa con trai yêu dấu, một thế giới không được vận hành theo cách ta có thể sử dụng vốn kinh nghiệm và bản năng sẵn có.”

Băng qua những lát cắt ngắn dài trong cuộc sống của hai cha con, nơi mọi chuyển động bình dị nhất hiện ra trước mắt: đi siêu thị, tản bộ, cùng ăn uống, tắm rửa, chơi đùa… ta nhận ra sự tinh tế nhưng cũng đầy hài hước trong lối viết của Laurent Demoulin, người có khả năng biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử.

Ngày hội văn học Bỉ giới thiệu tác phẩm cảm động về tình cha con ảnh 2“Robinson có tự kỷ của tôi” là một tác phẩm cảm động sâu sắc về tình cha con. (Ảnh: Nhã Nam)

Nhân dịp này, độc giả cũng được giao lưu với nhà văn Jean Marc Turine về tác phẩm mới nhất của ông “Chuyện người đàn bà Digan” (Giải thưởng Năm châu lục Pháp ngữ 2018).

Tác phẩm của Jean Marc Turine tiếp nối những trăn trở, nỗi niềm tìm cách nâng vị thế những con người thấp cổ bé họng, những người bị áp bức, các nạn nhân, và ông đấu tranh không mỏi mệt chống lại chiến tranh và sự tước đoạt.

Cũng trong khuôn khổ ngày hội, triển lãm tranh truyện của họa sỹ Dany (Giải thưởng lớn Diagonale, giải thưởng danh giá của Bỉ) và trang bìa các tác phẩm văn học Bỉ sử dụng tiếng Pháp được xuất bản ra tiếng Việt sẽ kéo dài đến ngày 9/12 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Ông Nicolas Derveaux, đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cho hay sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Phái đoàn. Hoạt động giao lưu văn học cũng như liên hoan âm nhạc, chiếu phim… thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Trong lĩnh vực văn hóa, Phái đoàn Wallonia-Brussels tại Hà Nội khởi xướng nhiều hoạt động quan trọng được tổ chức thường niên như Liên hoan âm nhạc châu Âu, Liên hoan phim tài liệu Việt Nam-châu Âu, Liên hoan múa châu Âu, Liên hoan phim tình yêu Wallonia-Brussels…

Trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chương trình làm việc theo kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Nicolas Derveaux, với sự nỗ lực của hai bên, nhiều hoạt động văn hóa vẫn diễn ra nhờ hình thức trực tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục