“Ngày hội non sông thống nhất” ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc VN

Các hoạt động có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc thường xuyên sinh hoạt tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
“Ngày hội non sông thống nhất” ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc VN ảnh 1Giao lưu biểu diễn văn nghệ tại không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Từ ngày 29/4 đến ngày 3/5 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất” tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch và nghỉ lễ 30/4-1/5.

Các hoạt động có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc thường xuyên sinh hoạt tại Làng. Ngoài ra còn có 20 đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); 40 đồng bào của 3 dân tộc Mông, Nùng, Tày (tỉnh Lào Cai); 40 đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng (tỉnh Thái Nguyên) được huy động để tham gia các hoạt động tái hiện lễ hội.

Ban tổ chức sẽ tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề “Sắc màu Lào Cai.” Đây sẽ là không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao.

Du khách sẽ được đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính đồng bào các dân tộc thực hiện, phục vụ. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày...

Một triển lãm ảnh giới thiệu không gian ảnh sắc màu văn hóa vùng cao với khoảng 80 bức ảnh được trưng bày giới thiệu dọc tuyến đường vào chợ. Các bức ảnh do Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phát huy từ bộ tư liệu ảnh trước đây đã trưng bày triển lãm và hỗ trợ thêm khoảng 40 ảnh trưng bày của Lào Cai...

[Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, giải trí dịp 30/4 và 1/5]

Đặc biệt, đồng bào Mông tỉnh Thái Nguyên sẽ giới thiệu nghệ thuật trình diễn khèn. Đây là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo, thể hiến sự cố kết, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng.

Trong khi đó, đồng bào Mông tỉnh Lào Cai sẽ tái hiện Lễ hội Say Sán (Hội Chơi núi), gồm phần lễ và phần hội. Lễ hội này thực sự là ngày hội sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Đồng bào dân tộc Nùng tỉnh Lào Cai tái hiện Tết mừng chiến thắng. Đây là dịp đồng bào dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối (quả chuối, hoa chuối, lõi chuối), xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc. Mỗi màu xôi mang một sắc thái của cuộc kháng chiến năm xưa. Xanh lá chuối là màu của mùa xuân; đỏ thẫm là màu máu của những người đã anh dũng hy sinh, vàng là biểu tượng cho sự đau thương ly tán, đỏ tươi tượng trưng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng...

Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La cũng được tái hiện trong dịp này. Đây là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái, lễ này đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản.

Hạn khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. Hạn khuống được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm. Loại hình nghệ thuật Hạn khuống được tổ chức hàng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.

Đồng bào Tày, Nùng, Mông tỉnh Thái Nguyên sẽ mang đến cho công chúng chương trình dân ca dân vũ “Xứ Trà quê noọng,” thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tin yêu theo Đảng, theo Bác Hồ của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đồng bào còn thực hiện chương trình giới thiệu quảng bá “Không gian trà Thái Nguyên.” Nơi đây được mệnh danh “đệ nhất danh trà.” Văn hóa trà Thái Nguyên có nét đặc trưng riêng, từ cách pha trà, dâng trà và thưởng trà đều rất công phu và tỉ mỉ...

“Ngày hội non sông thống nhất” ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc VN ảnh 2Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung (ngoài cùng bên trái) giới thiệu cho khán giả về các tác phẩm của mình tại triển lãm. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam phối hợp với Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhà giáo-nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung tổ chức Triển lãm thơ diễn ca lịch sử “Theo dấu chân Đại tướng.”

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung là người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm.

Triển lãm tái hiện bằng thơ, diễn ca những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh Quân đội, tình cảm nhân dân dành cho ông, đặc biệt là sau khi Đại tướng qua đời ở tuổi 103... thông qua 92 tấm panô với hình ảnh minh họa do Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nghệ sỹ Trần Hồng cung cấp.

Đây là hoạt động ý nghĩa, như lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục