Ngày hội mua sắm "Cyber Monday" 2015 hướng tới kỷ lục mới

Trong vòng 10 giờ đồng hồ đầu tiên của ngày "Cyber Monday," doanh thu trực tuyến đã đạt 490 triệu USD, tăng 14% so với thời điểm này năm trước.
Ngày hội mua sắm "Cyber Monday" 2015 hướng tới kỷ lục mới ảnh 1Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh trong ngày 'Cyber Monday.' (Nguồn: techradar.com)

Doanh thu trong ngày hội mua sắm trực tuyến của Mỹ "Cyber Monday," ngày 30/11, đang trên đà "xô đổ" kỷ lục của năm trước nhờ làn sóng "săn" đồ công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh.

Theo hãng theo dõi thị trường trực tuyến, Adobe Digital Index, trong vòng 10 giờ đồng hồ đầu tiên của ngày "Cyber Monday", thứ Hai đầu tiên sau Lễ Tạ ơn (thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11), doanh thu trực tuyến đã đạt 490 triệu USD, tăng 14% so với thời điểm này năm trước.

Theo dõi 200 triệu lượt khách truy cập vào 4.500 trang bán lẻ, Adobe dự báo doanh thu cả ngày hội mua sắm trực tuyến này có thể lên tới 3 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đã "cháy kệ" trong khoảng thời gian ngắn.

Theo Adobe, 53% số người mua sắm nhắm vào các thiết bị điện thoại, mặt hàng hiện chiếm 32% tổng doanh thu. Một số sản phẩm được “săn” nhiều nhất trong dịp này còn có các máy chơi điện tử và trò chơi đi kèm và xe thăng bằng dạng ván trượt (hover board).

Sự truy cập ồ ạt của khách hàng đã gây ra tình trạng quá tải, trang mạng của hãng bán lẻ khổng lồ Target và Neiman Marcus đã "sập" trong một thời gian, tương tự như hãng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến Paypal.

Adobe ước tính tổng doanh thu mua sắm trực tuyến tính từ ngày Lễ Tạ ơn hôm 26/11 đến sáng 29/11 lên tới 8,03 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước. Hãng này cũng dự báo tổng doanh thu mua sắm trực tuyến của người dân Mỹ trong hai tháng lễ cuối năm nay sẽ đạt 70,6 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.

Trong khi đó, IBM dự báo doanh thu ngày "Cyber Monday" năm nay sẽ vượt tới 18% so với năm 2014 nhờ các sản phẩm đắt tiền như tivi của Samsung, Sony hay LG cũng như đồng hồ Apple và tai nghe của Beats.

"Cyber Monday" đầu tiên được tiến hành từ năm 2005 khi các hãng bán lẻ đưa ra sáng kiến kích cầu thị trường mua sắm trực tuyến vào ngày thứ Hai đầu tiên sau Lễ Tạ ơn, để nhiều người có thể tận dụng máy tính kết nối mạng nhanh ở chỗ làm. Những năm gần đây, các hãng bán lẻ không còn chỉ giảm giá vào ngày này mà đã bắt đầu đợt giảm giá từ đợt Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, dù “Cyber Monday” có lập được kỷ lục về doanh thu thương mại điện tử của Mỹ, ngày hội mua sắm này của người Mỹ vẫn “lép vế” so với ngày mua sắm trực tuyến của người Trung Quốc nhân “Lễ độc thân” 11/11 vừa qua, với doanh thu lên tới 14 tỷ USD, theo ước tính của hãng Alibaba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục