Trong 2 ngày (25-26/9), tại xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Ngày hội Khoai môn năm 2023.
Ngày hội là sự kiện trưng bày, giới thiệu đến du khách các sản phẩm từ khoai môn - nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ diễn ra các hoạt động như Hội thảo Bảo tồn và Phát huy Tiềm năng, Giá trị từ Khoai môn; Hội thi Chế biến và Trình diễn Ẩm thực từ Khoai môn; Hội nghị Liên kết Tiêu thụ Nông sản từ Khoai môn năm 2023.
Hiện nay huyện Lấp Vò có diện tích trồng khoai môn hàng năm từ 1.400-1.500ha, tập trung ở các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ, Hội An Đông, Bình Thành Trung... Sản lượng khoai môn hằng năm đạt khoảng 25.000-30.000 tấn.
Ông Trần Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lấp Vò, cho biết cây khoai môn là một trong những loại cây đặc trưng của vùng đất thuộc địa bàn các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ, Hội An Đông và Bình Thạnh Trung, đã gắn bó với người dân nơi đây từ rất lâu. Đây là một trong những cây lương thực với nhiều giá trị dinh dưỡng, vừa làm thức ăn, vừa làm nguyên liệu chế biến cho một số ngành công nghiệp.
Huyện Lấp Vò tổ chức Ngày hội Khoai môn nhằm nâng cao nhận thức từ hệ thống chính trị đến người dân Lấp Vò về phát huy tiềm năng, khơi dậy nguồn lực và khát vọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán và đại diện các mã số vùng trồng gặp gỡ trao đổi thông tin, tìm hướng hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Thông qua sự kiện, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân cùng chung tay phát triển sản xuất, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm khoai môn của huyện vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
[Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào 3 thị trường lớn]
Để nâng cao giá trị cây khoai môn - một trong những nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, các cấp chính quyền nói chung, ngành nông nghiệp huyện nói riêng đã không ngừng tuyên truyền vận động nông dân cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sự kiện này là tín hiệu vui, là động lực cho bà con nông dân trồng khoai môn tái đầu tư sản xuất và là cơ hội để ngành hàng khoai môn của huyện phát triển theo hướng bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, từng bước nâng cao hiệu quả và giá trị nông sản của huyện trên thị trường.
Khoai môn Lấp Vò có các điểm đặc biệt nổi bật như nhiều tinh bột, thịt khoai có vân, có mùi thơm nhẹ. Nhờ có kinh nghiệm trong nghề trồng khoai môn, cộng với được ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất và biện pháp phòng trị bệnh hại nên nông dân quản lý sản xuất hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 100ha khoai môn sản xuất theo hướng an toàn, 108ha khoai môn được chứng nhận VietGAP. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 6 mã số vùng trồng khoai môn. Toàn huyện có 2 Tổ hợp tác và 2 Hội quán chuyên canh tác khoai môn với 140 thành viên, canh tác trên 327ha.
Về năng suất khoai môn ở vụ Đông Xuân từ 15-17 tấn/ha, vụ Hè Thu từ 12-13 tấn/ha, vụ Thu Đông từ 10-11 tấn/ha. Hiệu quả mang lại từ trồng khoai môn lãi từ 100-150 triệu đồng/ha đối với vụ Đông Xuân, từ 70-80 triệu đồng/ha đối với vụ Hè Thu.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, huyện Lấp Vò chọn cây khoai môn là một trong 6 ngành hàng nông nghiệp chủ lực để tập trung thực hiện./.