Chiều 24/4 tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ, các em học sinh học tiếng Việt tại trường Bình Minh đã tham gia diễu hành trẻ em trong Lễ hội chia tay Mùa Đông.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cùng đại diện Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, Hội người Việt ở Thụy Sĩ và các cán bộ ngoại giao, các phụ huynh cùng đến chia vui với các em.
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ cho biết sau gần 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, ngày hội diễu hành năm nay đã thực sự trở thành điểm hẹn yêu thích để các bé Việt Nam giới thiệu với bạn bè Thụy Sĩ những trang phục truyền thống, những nét văn hóa đẹp của Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, hiệu trưởng trường Bình Minh, bà Ngọc Dung Moser và là người trực tiếp đứng ra tổ chức, cho biết các em học sinh đều háo hức được tham gia trở lại Lễ hội chia tay Mùa Đông vốn đã phải tạm dừng trong các năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm nay có 39 em học sinh trường Bình Minh trong độ tuổi 5 đến 13 - đại diện cho đoàn Việt Nam tham gia diễu hành. Với sự hỗ trợ, uốn nắn của thầy cô giáo và phụ huynh, các em đều hiểu được từ cách ăn mặc, cử chỉ thể hiện văn hóa quê hương trong lúc diễu hành.
[Dạy tiếng Việt cho kiều bào - Gìn giữ, phát huy bản sắc của dân tộc]
Ngoài việc dạy cho các em tiếng Việt, trong những năm qua, trường Bình Minh luôn cố gắng tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống của Việt Nam cho các em học sinh. Cuốn sách "Đón Tết về nhà" cũng là quà Tết năm 2022 cho các bé của trường dạy tiếng Việt dành cho các em học sinh gốc Việt đang sinh sống tại khu vực thành phố Zurich, miền Đông Bắc Thụy Sĩ này.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, múa Lân trong mùa trung thu và sẽ tiến tới dạy các em hiểu hơn về văn hóa cội nguồn của người Việt, về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ...
Trường Bình Minh bắt đầu tham gia Lễ hội chia tay Mùa Đông do thành phố Zurich tổ chức từ năm 2018. Khi đó các em học sinh đã tự tay kết thành những chiếc nón lá quê hương và đã nhận được sự phản hồi tích cực từ bạn bè Thụy Sĩ.
Đây chính là sợi dây vô hình kết nối chặt chẽ giữa các bé thế hệ thứ hai và thứ ba được sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ với quê hương Việt Nam. Mai sau các em lớn lên sẽ có thêm những động lực tìm hiểu về cội nguồn, có tâm huyết duy trì những nét văn hóa Việt Nam ngay chính nước sở tại.
Bà Ngọc Dung Moser hiện là Tổng thư ký Hội người Việt ở Thụy Sĩ và thành viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam cho biết thêm ngoài việc dạy cho các em tiếng Việt, Hội người Việt ở Thụy Sĩ kết hợp với Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam đã có nhiều hoạt động trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nạn nhân tai nạn bom mìn, bệnh nhân phong và trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Các thành viên Hội người Việt ở Thụy Sĩ dưới nhiều hình thức luôn hưởng ứng những lời kêu gọi quyên góp tài chính ủng hộ các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào miền Trung trong thời điểm khó khăn lũ lụt, hoạt động gây Quỹ phòng chống COVID-19 ở Việt Nam, tự nguyện góp sức cùng đồng bào trong nước ra sức phòng, chống đại dịch.
Mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, những người Việt ở Thụy Sĩ đã tham gia ủng hộ kinh phí đóng xuồng chủ quyền tặng cho huyện đảo Trường Sa nhằm tạo điểm tựa cho người dân Trường Sa bám trụ nơi hải đảo biên cương thực hiện chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Ngọc Dung Moser cho biết nhiều thành viên trong Hội người Việt ở Thụy Sĩ mong muốn có được cơ hội trở về thăm quê hương yêu dấu, đặc biệt là tham dự chương trình thăm Trường Sa. Nhiều người trong hội vẫn còn trẻ và phải đi làm nên mong có sớm nhận được chương trình dự kiến để có thể sắp xếp xin nghỉ phép. Cá nhân bà Ngọc Dung Moser cũng mong sang năm tới vẫn còn đủ sức khỏe để có thể về quê hương, đi thăm Trường Sa.
Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Ngọc Dung Moser vẫn tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn đóng góp cho cộng đồng và ấp ủ những dự án đầy hoài bão, trong đó có dự án xây dựng nhà văn hóa Việt Nam tại Thụy Sĩ và viện dưỡng lão cho người Việt ở Thụy Sĩ. Theo bà Ngọc Dung Moser, đây là những dự án đầy thách thức nhưng vô cùng nhân văn và thật nhiều ý nghĩa.
Trường Bình Minh dạy tiếng Việt tại Zurich được thành lập vào năm 2017 trong khuôn viên của một trường ngoại ngữ tư thục với mong muốn đóng góp để gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ người gốc Việt tại Thụy Sĩ.
Đây là một trong những dấu ấn hoạt động của Hội người Việt ở Thụy Sĩ khi việc đỡ đầu và phát triển lớp tiếng Việt tại khu vực miền Đông Bắc Thụy Sĩ này đã có được nhiều kết quả tích cực. Ước mơ được giao tiếp với con cái bằng chính tiếng mẹ đẻ của nhiều bậc phụ huynh ở Thụy Sĩ giờ đây đã được trở thành hiện thực./.